Phản ảnh Lễ hội cầu Ngư và Phát động ra quân đánh bắt vụ cá Nam tại phường Điện Dương

Phường Điện Dương vừa tổ chức Lễ hội cầu Ngư và Phát động ra quân đánh bắt vụ cá Nam. Dự lễ hội có bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND thị xã.

       Từ sáng sớm, đông đảo người dân đã tập trung về bãi biển Thống Nhất, bày biện lễ vật dâng lên các vị thần Nam Hải gửi gắm khát vọng về những chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió, vụ mùa bội thu.

       Nhiều năm qua, Lễ hội cầu ngư trở thành hoạt động văn hóa tâm linh thường niên của ngư dân Điện Dương nhằm tạ ơn các vị thần biển đã phù hộ làng chài được mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng; đồng thời cũng là dịp động viên, khích lệ ngư dân vươn khơi bám biển.

       Cũng như các địa phương khác, lễ hội Cầu ngư ở Điện Dương được ngư dân duy trì lâu nay. Thời gian diễn ra lễ hội trong 2 ngày; từ ngày mồng 10 đến ngày 12.4 âm lịch. Ngày đầu tiên diễn ra nghi thức lễ cúng trần thiết bài vị, rồi tiến hành theo Lễ nghinh Ông; ngày thứ hai diễn ra nghi thức đại lễ tế thần. Phần hội gồm có chèo bả trạo, hội xây chầu hát bội, hát dân ca và các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển và có sự đan xen trong thời gian hành lễ của ngày đầu tiên và thứ hai. Đầu tiên là lễ vọng, lễ nghinh Ông, tiếp theo là lễ cúng Tiền hiền và lễ tế Cá Ông. Lễ Vọng được tiến hành vào lúc sáng sớm tại Lăng Ông với ý nghĩa cáo giỗ và xin thần linh báo cho làng những điềm lành, dữ trong năm. Lễ Nghinh Ông là lễ rước hồn Cá Ông. Lễ cúng Tiền hiền là mời các vị thần linh, các “Cô - Bác”, các âm hồn ngự tại đình, lăng, miếu trong vạn chài về Lăng Ông phụ hưởng. Cuối cùng, lễ tế Cá Ông là nghi lễ chính với các nghi thức dâng hương, dâng rượu, đọc văn tế, hóa văn tế. Ngư dân chuẩn bị lễ vật ở nhà rồi đem ra bày trên hương án để làm lễ tế. Lễ vật thường là các loại bánh làm bằng ngũ cốc, tuyệt đối không được dùng hải sản vì dân gian cho rằng Cá Ông không bao giờ hại sinh linh hoặc các loài động vật biển khác.

       Điện Dương có 7km bờ biển, 6/10 khối phố ven biển với hơn 650 hộ ngư dân tham gia đánh bắt hải sản. Trên địa bàn phường có 3 vạn chài đó là Vạn Hà My, Vạn Nam Hà Quảng và Vạn Bắc Hà Quảng. Lễ hội cầu Ngư thể hiện đức tin và tôn kính vị thần Nam Hải, cầu mong trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.

       Việc tổ chức Lễ hội cầu Ngư và Phát động ra quân đánh bắt vụ cá Nam nhằm khích lệ tinh thần cho ngư dân quyết tâm ra sức sản xuất, nâng cao sản lượng khai thác, cải thiện đời sống cho ngư dân.

       Hiện nay, toàn phường có 167 phương tiện tàu thuyền khai thác trên biển với tổng công suất 9000CV. Thời gian qua, địa phương đã vận động ngư dân đóng mới tàu có công suất lớn, cải tiến phương tiện đánh bắt nhằm tăng hiệu quả trong sản xuất, vì vậy sản lượng khai thác luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Năm qua, tổng sản lượng khai thác thuỷ sản phường Điện Dương đạt 1.885 tấn, đạt trên 125% kế hoạch.

       Lễ hội Cầu Ngư ở Điện Dương là nơi lưu giữ tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán cùng mối quan hệ mật thiết với tín ngưỡng tâm linh. Tất cả những mối quan hệ ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, hòa quyện vào nhau, có tác động qua lại ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình tồn tại cho đến ngày nay vẫn mang đậm những đặc trưng văn hóa biển. Lễ hội còn thể hiện ý thức "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề và thông qua lễ hội thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân làng chài ven biển.

       Việc tổ chức Lễ cầu ngư và ra quân phát động đánh bắt vụ cá Nam năm 2025 bên cạnh yếu tố tâm linh còn nhằm khích lệ tinh thần cho ngư dân ven biển, thể hiện tinh thần thống nhất cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết tâm ra sức sản xuất, phấn đấu nâng cao sản lượng khai thác, cải thiện đời sống cho ngư dân trên địa bàn.

 

Thu Hằng