

0235.3867334
Sáng 31/3/2024, Ban tổ chức đại hội thể dục thể thao phường Điện Nam Trung tổ chức lễ khai mạc Đại hội thể dục thể thao lần thứ X năm 2024.
Dự khai mạc có bà Trần Thị Thanh Vân - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã; ông Phạm Văn Ba - Trưởng Phòng văn hoá và Thông tin thị xã.
Hiện nay, trên địa bàn phường Điện Nam Trung, các thiết chế văn hoá - thể thao luôn được UBND phường quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng như: sân vận động phường, các khu thể thao khối phố, lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời; bể bơi vùng Đông được thị xã đầu tư xây dựng tại trường THCS Võ Như Hưng góp phần đẩy mạnh phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho Nhân dân, đặc biệt là trẻ em.
Đại hội TDTT phường Điện Nam Trung lần thứ X năm 2024 diễn ra từ tháng 2 đến tháng 9 năm 2024, với 6 môn thi đấu gồm: Bóng chuyền nam, bóng đá nữ, cờ tướng, cầu lông, bơi các nhóm tuổi và môn bóng đá nam.
Đại hội là dịp để đánh giá thực chất kết quả phát triển của sự nghiệp thể dục thể thao ở địa phương trong thời gian qua, đồng thời tạo tiền đề tăng cường và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị thể dục thể thao trên địa bàn phường.
Thu Hằng
Sáng ngày 29/3/204, UBND xã Điện Phong phối hợp với UBMT xã tổ chức toạ đàm phát huy vai trò hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng xây dựng tộc văn hoá gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở khu dân cư. Tham dự có ông Lê Thành – Bí thư Đảng uỷ, các ban ngành, đoàn thể xã, lãnh đạo các thôn và đại diện các tộc họ trên địa bàn xã.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham gia 7 ý kiến trao đổi, chia sẻ những thông tin, kiến thức, bài học kinh nghiệm, cũng như những khó khăn trong thực hiện các tiêu chí góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư và tộc họ. Các đại biểu cũng đã đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm, như: tăng cường thông tin, tuyên truyền, đẩy mạnh công tác phổ biến và triển khai thực hiện hương ước, quy ước bằng nhiều biện pháp, như: hàng năm đến ngày giỗ tổ các tộc cần tuyên truyền đến con cháu thực hiện tốt hương ước, quy ước về xây dựng tộc văn hoá; Vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc nội dung của hương ước, quy ước gắn với việc bình chọn gia đình văn hóa, thôn văn hóa.
Tại buổi toạ đàm, UBND – UBMT xã tổ chức cho đại diện 7 tộc hộ ký cam kết xây dựng tộc họ văn hoá năm 2024.
Mi Ni
Chiều ngày 28/3, tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, phường Điện Minh, Thư viện tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trung tâm VHTT-TTTH thị xã Điện Bàn, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024.
Tới dự có bà Nguyễn Thị Cẩm: Phó phòng nghiệp vụ và Hành chính Thư viện tỉnh Quảng Nam, bàNguyễn Thị Dư - Phó phòng công tác bạn đọc, Ban giám hiệu nhà trường, các Thầy giáo, Cô giáo và 460 em học sinh trong trường.
Ngày hội đọc sách năm 2024 là ngày hội lớn nhằm phát huy giá trị của sách, của văn hóa đọc trong cộng đồng; góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học. Đây không chỉ là dịp để tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp phát triển văn hóa đọc mà còn góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Trong Ngày hội, các Thầy giáo, cô giáo và các em học sinh được tham quan xe thư viện lưu động, lựa chọn đọc nhiều loại sách được bố trí ngay tại sân trường.
Thông qua ngày hội nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách, khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, các em học sinh trong các trường nói chung, trường Tiểu học Trần Quốc Toản nói riêng. Trước đó, thư viện tỉnh và Trung tâm VHTT – TTTH thị xã cũng đã tổ chức ngày hội đọc sách cho 485 em học sinh tại trường TH Phan Thành Tài – phường Điện An.
Mi Ni – Tào Ka
Chiều ngày 28/3, Trung tâm VHTT&TTTH, Phòng VHTT thị xã Điện Bàn phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân thị xã tổ chức khai mạc giải bóng đá nam 11 người cho Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thị xã tranh cúp Tứ hùng năm 2024. Tham dự khai mạc có ông Trần Hải Vân, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND thị xã; ông Phan Ngọc Hải, UVBTV, Chủ tịch UBMT thị xã; ông Huỳnh Quang Trung, UVBTV, Trưởng Ban tổ chức thị uỷ; ông Phạm Lộc, Giám đốc Trung tâm VHTT&TTTH thị xã, Trưởng ban tổ chức giải, ông Lê Văn Phương, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã - Phó ban tổ chức giải.
Giải bóng đá Tứ hùng năm 2024 diễn ra từ ngày 28/3/2024 đến 5/4/2024 với sự tham gia của gần 100 vận động viên đến từ 4 đội bóng thuộc các liên quân 1, liên quân 2, liên quân 3 và liên quân 4. Các đội thi đấu theo thể thức vòng tròn 1 lượt tính điểm, chọn ra 2 đội có điểm cao nhất để thi đấu tranh giải nhất, nhì; 2 đội còn lại tranh giải ba. Đây là hoạt động chào mừng 78 năm ngày thể thao Việt Nam, 49 năm ngày giải phóng quê hương và 94 năm ngày thành lập Đảng bộ thị xã Điện Bàn.
Thông qua giải lần này nhằm tạo điều kiện cho Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thị xã giao lưu, học hỏi, đồng thời hưởng ứng phong trào rèn luyện thể dục thể thao. Ngay sau lễ khai mạc đã diễn ra trận đấu sôi nổi giữa đội bóng Liên quân 4 và Liên quân 3.
Mi Ni – Chí Thành
Tuổi ấu thơ non dại, những trưa hè, tôi thường nghe ngoại hát ru theo tiếng võng kẽo kẹt “Con quạ nó đứng chuồng heo/ Nó kêu bớ má bánh bèo chín chưa ...”. Câu hát thuở nào của ngoại đã trở thành một phần ký ức trong tôi để rồi có đi đâu, thưởng thức món ngon vật lạ nào tôi vẫn đau đáu nhớ về món ăn của quê mình, nhớ về tuổi thơ trong trẻo.
Không hiện đại như bây chừ, ngày xưa mỗi lần đổ bánh bèo, ngoại tôi phải ngâm gạo rồi xay bột. Bước quan trọng là lấy trùng sao cho không đặc không lỏng, đặc quá hấp bánh không chín còn lỏng thì bánh sẽ nhão. Điều đặc biệt, bánh bèo ngoại tôi đổ chén nào cũng có xoáy. Khi bé tôi chẳng hiểu nổi tại sao ai cũng thích bánh bèo xoáy dù cũng từ gạo ra mà thôi. Đông về, trong cái lạnh tê tái của những cơn mưa dai dẳng, ngoại tôi với chiếc đòn gánh cong và đôi thúng gióng gánh bánh bèo đi bán khắp đường quê. Tiếng rao của ngoại đã trở nên quen thuộc khắp làng trên xóm dưới. Đặt đôi gánh xuống, những chén bánh bèo úp ngược được lật lên, ngoại quết chút dầu phụng khử với củ nén vào mặt bánh rồi múc nhưn đổ lên, cho thêm chút nước mắm ớt. Nhưn bánh sóng sánh lớp dầu phụng quê, màu đỏ của tôm đất, màu trắng thịt ba chỉ, màu xanh của lá hành, màu vàng của đậu phụng, mới nhìn đã phát thèm. Gánh bánh bèo ngày xưa ấy, ngoại và mẹ đã nuôi tôi khôn lớn.
Thời ấy, xôi, khoai sắn nấu và bánh bèo là những món thường thấy khi bà con ra đồng. Khi mà cơm không đủ no, áo không đủ ấm thì no bụng vẫn là lựa chọn số 1. Chén to, cái nào cái nấy dày đặc. Còn bây giờ, thưởng thức để cảm nhận nên bánh thường đổ mỏng hơn. Cuộc sống hiện đại với bao đổi thay, hình ảnh những gánh bánh bèo khắp đường làng ngõ xóm cũng thưa dần nhưng có một nơi vẫn còn lưu giữ. Bánh bèo Phú Bông ở thôn Cẩm Phú 2, xã Điện Phong đã trở nên quen thuộc với người dân Điện Bàn và các nơi khác. Bánh ngon chưa nói nhưng không gian ngồi thưởng thức thật đẹp và bình yên với những bộ bàn ghế tre mộc mạc dưới giàn hoa giấy. Nhiều người con làm ăn xa về quê ăn Tết tìm cho được quán bánh bèo của anh Trần Văn Thành như tìm về ký ức ngày xưa, bên mái tranh nghèo, ngồi chờ mẹ xay bột đổ bánh bèo trong nỗi háo hức. Điều hấp dẫn nhất là anh xay bột, hấp bánh và bán tại chỗ nên ai cũng thích nhìn các công đoạn anh làm. Khách du lịch từ Hội An, Đà Nẵng nghe tiếng cũng tìm đến, tỏ ra háo hức và thích thú khi tự tay mình xay bột, đổ bánh, hấp bánh, xào nhưn. Bánh vừa hấp xong, còn nóng hổi đem ra chan nước mắm ớt tỏi ngọt hoặc nước mắm không pha dằm ớt xanh, múc một muỗng nhưn, thêm đậu phụng quê rang vàng giã dập, vài cọng mỳ khô chiên phồng, cứ như vậy bàn nào chén cũng chất thành từng chồng cao ngất. Cái thú khi ăn bánh bèo ở đây là được ăn bằng chén đất và dằm tre, hương vị quê nhà bổng trở nên ngon và hấp dẫn hơn.
Chị Nguyễn Thị Thảo – vợ anh Thành cho biết, được mẹ chồng truyền bí quyết, chị đã bán bánh bèo hơn 10 năm nay. Tiếng lành đồn xa, hằng ngày vợ chồng anh ngoài bán tại nhà còn bán ở các chợ trong thị xã trên dưới 1.500 chén. Anh còn thường xuyên gửi bánh bèo trên các chuyến bay đi Đà Nẵng và TPHCM.
Về đón Tết ở quê, bà con đồng hương rủ nhau tìm đến Cẩm Phú 2 (xã Điện Phong) để được ngồi trong không gian quê nhà, hương thơm của bánh bèo quyện với mùi tre của chiếc dằm là hương vị mà khi xa quê, những người con xứ Quảng mãi không bao giờ quên được. Chị Nguyễn Thị Tuyết Lê định cư ở nước ngoài, trong một lần về thăm gia đình cũng rủ nhóm bạn của mình đến Cẩm Phú thưởng thức bánh bèo rồi vội vã ra sân bay cho kịp chuyến bay đêm. Nhiều người từ TPHCM vừa về đến quê nhà đã vội vã tìm đến bánh bèo Phú Bông ở thôn Cẩm Phú 2 và cơ sở 2 đường Lý Thái Tổ (khối phố Ngọc Tam, phường Điện An) để thoả nỗi nhớ quê.
Đôi khi người ta ăn một món nào đó không hẳn vì thèm mà chỉ vì một nỗi nhớ quê cồn cào. Phải chăng hương vị thôn quê dân dã đã đằm sâu trong ký ức nên người Điện Bàn mỗi khi đi xa cứ nhớ những món ăn thân thuộc, nhớ căn nhà lá trong sân vườn rộng thênh, những cái chum, cái vại trước hiên nhà đựng nước mưa trong vắt, để thấy thèm không gian quê tĩnh lặng sau những mệt nhoài nơi đất khách quê người.
Huyền Chi
Giải bóng chuyền nam, nữ “ Bông lúa vàng” tranh cúp Mai Thiên Kim lần thứ VI trong khuôn khổ Đại hội TDTT xã Điện Phước lần thứ X, năm 2024 diễn ra từ ngày 3/3 đến ngày 24/3.
Tham dự giải có hơn 190 VĐV tham gia với 2 nội dung nam và nữ, mỗi nội dung có 8 đội tham gia theo thể thức vòng tròn tính điểm để chọn ra 4 đội có thành tích cao nhất vào bán kết và chung kết.
Kết thúc giải đấu, giải nhất nội dung nam thuộc về đội bóng Nhị Dinh 1, đội bóng Hạ Nông Đông giải nhì, đội bóng Nông Sơn 1 và Hạ Nông Tây đồng giải Ba. Giải nhất nội dung nữ thuộc về đội bóng Nhị Dinh 1, đội bóng Hạ Nông Tây giải nhì, thuộc hai đội bóng La Hoà và Hạ Nông Đông đồng giải Ba. VĐV Đinh Thị Hồng Diễm – đội bóng Hạ Nông Đông được bình chọn hoa khôi của giải.
Huyền Chi