0235.3867334

        Những năm qua, nhằm phục vụ sản xuất cho 300 ha đất lúa/vụ trên địa bàn, HTX Nông nghiệp I Điện Phước đã xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất để triển khai cụ thể đến Ban nhân dân các thôn và bà con nhân dân về cơ cấu giống; lịch thời vụ; vùng trà sản xuất; công tác khuyến nông; kế hoạch cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và một số nhiệm vụ khác để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

        Để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp năm 2024 theo kế hoạch của UBND xã Điện Phước, HTX đã hỗ trợ bà con nông dân trên địa bàn trong công tác diệt chuột bao gồm làm bẫy bả và chi hỗ trợ đánh bắt thủ công với tổng kinh phí hỗ trợ cho công tác diệt chuột trên 20 triệu đồng. Để giảm gánh nặng đầu tư ban đầu về vốn tái đầu tư sản xuất cho thành viên HTX và nông dân trên địa bàn, đồng thời chọn lựa các loại sản phẩm có uy tín, chất lượng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương, HTX đã đầu tư ứng trước cho bà con thành viên các loại sản phẩm vật tư nông nghiệp như: Giống, phân bón, vôi rải ruộng, thuốc bảo vệ thực vật… với tổng giá trị đầu tư ứng trước, thu hồi cuối vụ trên 3 tỷ đồng. Trong năm 2024, HTX đã thực hiện sửa chữa 1.980m kênh tưới với tổng kinh phí trên 26 triệu đồng; nạo vét cơ giới 6.874 m kênh tiêu các loại với tổng kinh phí trên 42 triệu đồng; xây 08 đập cản nước để tận dụng nước thừa các kênh tiêu, đặt giải khổ và làm cống hộp qua đường với tổng số tiền gần 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, Ban giám đốc, Ban kiểm soát HTX đã thường xuyên theo dõi và chỉ đạo kịp thời để cán bộ phụ trách thủy nông và Đội trưởng thủy nông thường xuyên bám sát đồng ruộng thực hiện việc điều tiết nước tưới cho từng khu vực một cách hợp lý, hiệu quả và đảm bảo nhất.

        Với đội ngũ cán bộ chuyên về lĩnh vực nông nghiệp thường xuyên bám đồng để hướng dẫn sản xuất, theo dõi trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa kịp thời phát hiện sâu bệnh và hướng dẫn nông dân cách phòng trừ. Tất cả các hoạt động của HTX đều do Ban giám đốc điều hành trên tinh thần tập trung dân chủ, công tác quản lý tài chính diễn ra công khai, minh bạch và đúng nguyên tắc.

        Trong công tác cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa và xây dựng cánh đồng lớn, HTX đã đầu tư và vận động nhân dân triển khai chỉnh trang đồng ruộng và dồn điền đổi thửa gần 240 ha trên tổng số 300 ha đất lúa. Qua đó đã xây dựng được 03 cánh đồng lớn tại 3/4 thôn trên địa bàn HTX. Tổ chức hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất và áp dụng quy trình 3 giảm, 3 tăng kết hợp công cụ sạ hàng trên 80% diện tích để giảm chi phí và mở rộng diện tích sản xuất giống nhằm nâng cao giá trị trên cùng diện tích, tăng thu nhập cho người nông dân.

        Năm 2024 này, Hợp tác xã đã tổ chức cho cán bộ, nhân viên HTX tham gia học tập kinh nghiệm về mô hình sản xuất, chế biến lúa giống tại Công ty TNHH Cường Tân – Nam Định. Bên cạnh đó, HTX cũng đã tổ chức 5 lớp tập huấn về Mycoop và Kỹ thuật trồng lúa cải tiến cho thành viên trên địa bàn HTX cũng như thực hiện một số hoạt động khác theo đúng kế hoạch đã triển khai ngay từ đầu năm.

        Trong thời gian qua, HTX đã phối hợp với Viện khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã để tổ chức tập huấn và trình diễn 02 mô hình mới trong sản xuất lúa hiện nay là: Mô hình kỹ thuật canh tác tiên tiến trong sản xuất lúa và mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Qua đó, đã hỗ trợ giống, phân bón cho thành viên tham gia với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng.

        Vụ Hè Thu 2024, HTX đã đề xuất và được Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp thị xã hỗ trợ giống, phân bón và tập huấn quy trình sản xuất để triển khai sản xuất khảo nghiệm 05 ha giống lúa BĐR 999. Đây là giống lúa ngắn ngày, hàm lượng tinh bột cao và có triển vọng thay thế giống lúa chế biến 13/2 đã nhiễm bệnh và dài ngày. Tuy đưa vào sản xuất trong vụ Hè Thu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng giống lúa BĐR 999 đã khẳng định tính ưu việt rất cao như: Không nhiễm sâu bệnh, chống đỗ ngã tốt, thời gian sinh trưởng vụ Hè Thu là 88 đến 92 ngày, đặc biệt cho năng suất rất cao, trên 80 tạ/ ha. HTX đã thu mua, chế biến toàn bộ lượng lúa trên để cung ứng giống nội bộ cho nông dân trên địa bàn.

        Đây là cơ sở để HTX NN I Điện Phước có hướng lựa chọn trong việc mở thêm dịch vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ gạo thương phẩm mà trước mắt là gạo chế biến theo nghị quyết Đại Hội thành viên trong thời gian đến.

Thu Hằng

       Chiều ngày 15/11, UBND phường Điện Minh tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2024, triển khai kế hoạch sản xuất năm 2025.
       Trong năm 2024, tổng giá trị ngành nông nghiệp đạt 73,865 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 102,21% kế hoạch, tăng 2,21% so với cùng kỳ. Tổng diện tích gieo trồng năm 2024 là 847,56 ha, đạt: 100,2% KH, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 4,16ha. Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt: 682,56 ha, đạt 100,6% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 4.825 tấn, tăng 419,95 tấn so với cùng kỳ năm 2023, đạt 114,7% kế hoạch. Thực hiện xây dựng kiên cố tuyến kênh với chiều dài 433m; sửa chữa 550m kênh bê tông; bố trí nguồn kinh phí 83.880.000 đồng để hỗ trợ cho 02 HTX nạo vét kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp. Phát triển kinh tế vườn, kinh tế gia trại, sản xuất rau xanh và ngô vẫn được nhiều hộ dân duy trì và phát triển, mang lại nguồn thu nhập hàng tỉ đồng.
 
 
       Trong năm, 02 HTX Nông nghiệp trên địa bàn phường đã thực hiện cung ứng nước tưới cho hộ dân sản xuất lúa; đồng thời liên doanh, liên kết với các Công ty để sản xuất giống lúa, ngô và thực hiện bao tiêu sản phẩm cho hộ dân. Công tác bảo vệ thực vật, hỗ trợ sản xuất…được quan tâm chú trọng thực hiện. Việc tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm đạt hiệu quả.
       Hội nghị đã thảo luận, triển khai các phương hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất năm 2025. Dịp này, UBND xã đã khen thưởng cho 2 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phường năm 2024. 
                                                                                                            Tào Ka

       Chiều ngày 15/11, UBND xã Điện Phong tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2024, triển khai kế hoạch sản xuất năm 2025 và vụ Đông Xuân năm 2024 - 2025.
 
 
       Năm 2024, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 157,74 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch năm. Trong đó: Trồng trọt: 94,25 tỷ đồng; Chăn nuôi: 47,94 tỷ đồng; Dịch vụ NN: 15,55 tỷ đồng. Về trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cả năm: 1.258 ha đạt 101% kế hoạch năm. Trong đó: Cây lúa có iện tích gieo trồng 334 ha, năng suất bình quân 67,5 tạ/ha, tăng 05 tạ/ha so với cùng kỳ, sản lượng cả năm đạt 2.253 tấn. Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc hiện có 4.724 con. Trong đó, đàn bò 2.343 con; Đàn trâu 8 con; Đàn lợn  2.373 con. Tổng đàn gia cầm có 14.800 con. Trong năm đã tổ chức triển khai 2 đợt tiêm phòng bệnh lỡ mồm long móng và bệnh tụ huyết trùng đạt tỷ lệ trên 91,7% tổng đàn; Tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho đàn bò đạt tỷ lệ trên 97,55% tổng đàn; Tiêm phòng vắc xin dại chó, mèo đạt tỷ lệ 98,8 % tổng đàn. Công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh động vật được đảm bảo, đã tiếp nhận, tổ chức triển khai thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường với 60 lít hoá chất; Tổ chức phun hoá chất diệt côn trùng tại các khu vực có trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh và các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn các địa phương có bệnh… với số lượng 20 lít.
       Hội nghị thảo luận triển khai thực hiện tốt kế hoạch sản xuất năm 2925 và vụ Đông Xuân 2024-2025. Theo đó, cho lúa trổ từ ngày 20/3 đến ngày 5/4/2025, thu hoạch xong trước 5/5/2025. Tuỳ theo thời gian sinh trưởng của từng giống lúa, bố trí lịch gieo sạ phù hợp, Những giống có thời gian sinh trưởng dưới 105 ngày gồm các giống HT1, PC6, Hương Châu 6: gieo sạ từ 5/1-10/1/2025. Những giống có thời gian sinh trưởng từ 105 - 115 ngày gồm các giống Thiên ưu 8, TBR225, Bắc Thịnh, Hà Phát 3 và ĐT 100 gieo sạ từ 30/12/2024 - 5/1/2025.
                                                                                                             Mi Ni

        Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, những năm qua, trên địa bàn thị xã Điện Bàn đã xuất hiện nhiều tấm gương cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia các phong trào của hội. Trong đó, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kiệt ở xã Điện Thọlà một trong những cựu chiến binh điển hình đã nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và làm nhiều việc có ích cho xã hội.

        Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kiệt là điển hình tiêu biểu trong phong trào Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi tại thị xã. Được rèn giũa trong môi trường quân ngũ (từ 1992 - 1994), năm 1995 trở về địa phương, ông Kiệt bắt tay vào làm kinh tế với mô hình sản xuất nấm rơm.

        Gần 30 năm qua, với đam mê và ý chí mạnh mẽ của người lính Cụ Hồ, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kiệt đã gặt hái nhiều thành công trên con đường sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt với bản chất năng động, luôn muốn đột phá và tìm kiếm những mô hình kinh tế mới, đạt hiệu quả cao, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kiệt học hỏi ở khắp nơi trên cả nước và kể cả nước ngoài trong những chuyến đi thực tế, để có thêm kiến thức, kinh nghiệm, áp dụng mô hình kinh tế mới tại địa phương.

        Chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, ông Kiệt cho biết: "Để phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, trước hết bản thân cần kiên trì, nỗ lực vượt qua khó khăn. Cùng với đó, phải nghiên cứu nắm bắt thị trường, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương; tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất".Ông đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội CCB Việt Nam... tặng nhiều bằng khen trong lao động sản xuất.

        Năm 2002, từ mô hình sản xuất nấm rơm quy mô nhỏ, ông Kiệt mạnh dạn thuê đất, đầu tư trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gà, bò… trên diện tích 1,5ha. Đến năm 2016, ông kết hợp với một số cá nhân thành lập Công ty cổ phần Giống nông nghiệp Điện Bàn. Trong đó, ông Kiệt được biết đến là một trong 2 người “cha đẻ” của sản phẩm OCOP 3 sao - Gạo Phong Thử nổi tiếng. Không giống cách trồng lúa thông thường là thường xuyên bón phân hoá học hay thuốc trừ sâu bệnh cho lúa, mô hình trồng lúa Gạo Phong Thử được thực hiện theo phương pháp hữu cơ với quy trình sản xuất hết sức nghiêm ngặt của cơ quan chuyên môn, thực hiện 5 không đó là: Không dùng thuốc diệt cỏ, không phun thuốc trừ sâu, không phân bón hoá học, không chất bảo quản và không sử dụng giống biến đổi gen. Đồng thời, ông Kiệt tận dụng nguồn phế phẩm để chăn nuôi, giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 12 lao động, 30 lao động thời vụ tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 6,5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng.

         Lúc cao điểm, trang trại ông chăn nuôi gần 100.000 con gà, hơn 200 con bò cùng các ao nuôi cá nước ngọt mỗi vụ xuất bán 25-30 tấn cá các loại. Hiện nay, trung bình mỗi năm trang trại của ông Kiệt cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận 200-300 triệu đồng/năm. Mô hình được nhiều đơn vị, địa phương đến tham quan, học tập kinh nghiệm, nhân rộng.

        Trên chặng đường xây dựng kinh tế, ông Kiệt gặp không ít thử thách, thất bại, những tưởng có lúc phải bỏ cuộc. Chẳng hạn như đợt dịch cúm A (H5N1) vào năm 2004 khiến toàn bộ trang trại gà phải tiêu hủy; hay đợt hỏa hoạn tại xưởng thu mua nông sản cách đây vừa tròn 1 năm… “Với đam mê, kiên trì và niềm tin vào bản thân, đặc biệt nhờ được rèn giũa qua môi trường quân đội đã giúp tôi có bản lĩnh vượt qua những chông gai và thử thách” - ông Kiệt nói.

        Bên cạnh đó, ông Kiệt còn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ông Kiệt đã được Đảng, chính quyền và nhân dân tín nhiệm giao phó nhiệm vụ bí thư chi đoàn thôn Đông Hoà, nay là thôn Đông Đức, xã Điện Thọ từ năm 1994 – 2001. Từ năm 2001 đến nay, ông là Trưởng ban nhân dân thôn Đông Hoà. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kiệt luôn học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, nâng cao kinh nghiệm công tác, cùng với nhiệt huyết và sức trẻ, bản thân ông đã cùng với cán bộ, hội viên và nhân dân thôn nhà xây dựng thành công Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích cải tạo, chỉnh trang trên 65 ha, xây dựng các tuyến đường…tạo diện mạo khang trang trong khu dân cư. Từ đó, đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân thi đua phát triển kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả cao, đóng góp không nhỏ cho xã Điện Thọ khi năm 2017 thôn được công nhận Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu.

        Thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về sáp nhập thôn, khối phố trên địa bàn thị xã Điện Bàn. Thôn Đông Hoà được chọn làm thí điểm sáp nhập ba thôn: Đức Ký Bắc, Đức Ký Nam, Đông Hoà lại thành một thôn Đông Đức như hiện nay, ông Nguyễn Văn Kiệt tiếp tục đảm nhận làm trưởng thôn. Bước đầu, gặp rất nhiều khó khăn nhưng bản thân ông luôn nỗ lực cùng với cán bộ quân chính, cán bộ, hội viên cựu chiến binh và nhân dân thôn đoàn kết, khắc phục những vướng mắc ban đầu để ổn định và đưa thôn đi vào hoạt động nền nếp. Cùng với đó, ông Kiệt đã vận động bà con đồng hương ở trong và ngoài địa phương hỗ trợ quê hương xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, lắp đặt đèn đường, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng khác, từ đó đã tạo những chuyển biến rõ nét, xây dựng thôn Đông Đức ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Tháng 4 năm 2021, thôn Đông Đức, xã Điện Thọ được UBND thị xã công nhận khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu.

        Ngoài ra, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kiệt cũng rất tích cực trong công tác nhân đạo, từ thiện, tận tình giúp đỡ những gia đình cựu chiến binh, nhân dân trong thôn, xã có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.Những năm qua, người dân trên địa bàn thôn Đông Đức, xã Điện Thọ luôn quen thuộc với hình ảnh người cựu chiến binh giàu lòng nhân ái, thường xuyên giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh này.

        Chia sẻ về động lực thôi thúc bản thân ông Kiệt thực hiện hoạt động nhân đạo, từ thiện, ông tâm sự: “Nguyện vọng của bản thân tôi là luôn muốn ai ai cũng có cuộc sống đủ đầy. Tôi có điều kiện hơn những người khác một chút, nên cũng mong muốn đóng góp sức mình cho xã hội. Giúp đỡ họ cũng là một niềm hạnh phúc giản đơn của tôi”.

        Ông Nguyễn Phước Sáu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Điện Bàn nhận xét: “Đồng chí Kiệt là tấm gương sáng, tiêu biểu trong các hoạt động của hội cựu chiến binh thị xã. Gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động tại địa phương. Rời quân ngũ, trở về với đời thường, đồng chí đã quyết tâm vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực cho xã hội.”

        Với những đóng góp trong hoạt động xã hội và phát triển kinh tế gia đình, nhiều năm liền cựu chiến binh Nguyễn Văn Kiệt được nhận nhiều bằng khen, giấy khen các cấp của Tỉnh uỷ Quảng Nam, UBND tỉnh; Huy hiệu có công xây dựng Tỉnh Quảng Nam sau 20 năm chia tách tỉnh; Giấy khen UBND thị xã Điện Bàn và là hội viên sản xuất kinh doanh giỏi cấp Hội Cựu chiến binh tỉnh, TW Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

        Từ những việc làm thầm lặng nhưng mang đầy ý nghĩa nhân văn, sâu sắc, từ những nỗ lực không mệt mỏi của bản thân vươn lên phát triển kinh tế, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hiệu quả, cựu chiến binh Nguyễn Văn Kiệt thật sự là một tấm gương sáng, mẫu mực xứng đáng cho mọi người xung quanh và các đồng đội học tập và noi theo.

Thu Hằng

       Sáng ngày 12.11, Uỷ ban nhân dân thị xã Điện Bàn tổ chức Hội nghị tập huấn công tác kiểm soát tài sản, thu nhập năm 2024.

       Dự hội nghị có ông Trần Hải Vân - Phó Bí thư Thường trực thị uỷ, Chủ tịch HĐND thị xã; ông Trần Úc - Phó Bí thư thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã.

       Tại hội nghị, các đại biểu được báo cáo viên thanh tra tỉnh truyền đạt các nội dung liên quan theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng năm 2028 và Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị như: Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; tài sản, thu nhập phải kê khai; phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập; xác minh tài sản, thu nhập; quy trình xác minh tài sản, thu nhập; hướng dẫn thực hiện các mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập…

       Thực hiện thi hành biện pháp kiểm soát tài sản thu nhập, tài sản thời gian qua cho thấy những vướng mắc, bất cập chủ yếu tập trung vào thực hiện việc kê khai và xác minh tài sản, thu nhập. Hội nghị này góp phần tổng kết việc thực hiện và đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập đó.

                                                                                                        Thu Hằng

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019898277
Hôm nay
Hôm qua
5394
7936