0235.3867334

       Sáng ngày 16/10, tại hội trường UBND phường Điện Thắng Nam, Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn tổ chức hội thảo đánh giá kết quả triển khai thực hiện mô hình thí điểm sản xuất nấm rơm theo phương pháp mô trụ thay thế phương pháp sản xuất mô gối truyền thống năm 2024. 
 
Quan cảnh Hội thảo mô hình thí điểm sản xuất nấm rơm theo phương pháp mô trụ
 
       Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Chánh Thiện - CT Hội Nông dân thị xã; ông Lê Văn Ngọ -  phó trưởng phòng Kinh tế; ông Ngô Văn Tân - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp; ông Phạm Minh Triều - BT Đảng uỷ phường Điện Thắng Nam; cùng  hơn 40 đại biểu là đại diện lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể, các nông dân tham gia mô hình và ngoài mô hình trên địa bàn xã Điện Hoà và phường Điện Thắng Nam.
       Từ tháng 6 đến tháng 9/2024, Trung tâm KTNN thị xã Điện Bàn đã phối hợp với UBND xã Điện Hòa và phường Điện Thắng Nam thực hiện mô hình thí điểm sản xuất nấm rơm theo phương pháp mô trụ thay thế phương pháp sản xuất mô gối truyền thống với qui mô 1.600kg giống nấm rơm tại 3 hộ/2 điểm. Qua quá trình thí điểm, thời gian chu kỳ sản xuất nấm rơm theo phương pháp mô trụ dài hơn phương pháp mô gối truyền thống 6 ngày; mặc dù năng suất phương pháp mô gối truyền thống có năng xuất cao hơn phương pháp mô hình trụ là 15kg/tấn nguyên liệu; tuy nhiên hiệu quả kinh tế phương pháp mô hình trụ mang lại cao hơn mô gối truyền thống là 400.000đ/tấn nguyên liệu, do tiết kiệm khoản 50% công lao động. Bên cạnh đó, mô hình thí điểm sản xuất nấm rơm theo phương pháp mô trụ sinh trưởng phát triển tốt, không phun thuốc trừ sâu bệnh, thúc đẩy nhanh quá trình phân huỷ các chất nguyên phế liệu phụ phẩm ngành nông lâm nghiệp, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. 
 
Các đại biểu tham quan mô hình
 
       Tại hội thảo, các đại biểu đã được giải đáp các vấn đề xoay quanh việc trồng nấm, các loại bệnh hại nấm rơm,… và trực tiếp tham quan mô hình tại hộ sản xuất ông Lê Tự Thống, khối phố An Thanh, phường Điện Thắng Nam.
                                                                                                            Yến Nhi

      Sáng ngày 15/10/2024, Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn phối hợp với UBND phường Điện Thắng Nam tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả mô hình nuôi cá chình thương phẩm trong bể tuần hoàn nước. Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Minh Châu – PCT UBND thị xã; Ban Giám đốc Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp cùng hơn 40 đại biểu là đại diện lãnh đạo và các hộ dân có chăn nuôi tập trung quy mô lớn tại 12 xã, phường trên địa bàn thị xã.

Quan cảnh hội thảo đánh giá mô hình nuôi cá chình thương phẩm trong bể tuần hoàn nước

      Năm 2023, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã triển khai mô hình Nuôi cá Chình thương phẩm trong bể tuần hoàn nước tại hộ chăn nuôi của anh Nguyễn Hữu Quốc Cường – khối phố Phong Lục Tây - phường Điện Thắng Nam. Đây là Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thuỷ sản áp dụng trên đối tượng có giá trị kinh tế cao.

      Trước khi triển khai, hộ anh Nguyễn Hữu Quốc Cường đã được Trung tâm KTNN thị xã đưa đi tham quan học tập mô hình tại huyện Đại Lộc. Trong quá trình triển khai, hộ cũng đã đi tham quan học tập ở một số địa phương có nghề nuôi cá chình phát triển. Sau khi nắm bắt quy trình kỹ thuật, hộ đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư, nâng cấp nhà xưởng, bể nuôi, hệ thống lọc cơ học, lọc sinh học cũng như máy móc thiết bị khác, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí con giống, thức ăn; hộ tham gia thực hiện mô hình đối ứng 50% kinh phí con giống và tự đầu tư 50% thức ăn còn lại. Sau 1 năm triển khai, ước tính hiệu quả sản xuất qua theo dõi 1 bể 600 con với tỷ lệ sống bằng 90%, tổng chi phí sản xuất ban đầu hơn 239 triệu đồng, qua đó đạt doanh thu hơn 466 triệu đồng, mang hiệu quả kinh tế hơn 226 triệu đồng. Từ 1 bể nuôi được hỗ trợ ban đầu, đến nay, hộ anh Cường đã mở rộng quy mô trại nuôi lên thành 6 bể.

Các đại biểu tham quan mô hình

      Tại hội thảo, các đại biểu được anh Cường trực tiếp hướng dẫn tham quan mô hình, chia sẻ nhiều thông tin về các yếu tố đầu vào, kỹ thuật nuôi, thị trường tiêu thụ… đồng thời được lãnh đạo UBND thị xã và Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc nhân rộng mô hình trong thời gian đến. 

Yến Nhi

      Thời gian qua, để triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển hơp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đô thị Điện Bàn giai đoạn 2022 – 2026; Hội Nông dân thị xã đã bám sát vào nhiệm vụ của Hội cấp trên và nhiệm vụ của địa phương, hằng năm đề ra chỉ tiêu, kế hoạch để triển khai thực hiện. Hội Nông dân thị xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động hội viên trên từng lĩnh vực sản suất, khảo sát đánh giá tiềm năng, hiệu quả của từng mô hình liên kết, hướng dẫn nông dân tham gia chuỗi liên kết.

      Ông Nguyễn Chánh Thiện, Chủ tịch Hội nông dân thị xã cho biết: “Để giúp nông dân tiếp cận, thụ hưởng các cơ chế, chính sách về xây dựng mô hình liên kết và hiệu quả của việc tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, Hội chủ động tổ chức tuyên truyền vận động để hội viên nắm bắt và thụ hưởng về chính sách, cơ chế hỗ trợ liên kết bao tiêu sản phẩm. Nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức như: tọa đàm về tham gia chuỗi liên kết,  tổ  chức tọa đàm “Nông dân Điện Bàn khởi nghiệp sáng tạo từ sản phẩm địa phương, gắn với tập huấn đưa sản phẩm lên sàn giao dịch”, hội chợ giới thiệu quảng bá sản phẩm nông nghiệp đặt trưng địa phương, sản phẩm OCOP nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết sản xuất. Ngoài ra Hội Nông dân thị xã luôn quan tâm  phát huy hội viên xây dựng ý tưởng khởi nghiệp từ nông nghiệp từ đó làm tiền đề xây dựng liên kết.”

      Hội nông dân trong toàn thị xã đã tổ chức được 21 buổi tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể cho 1.559 lượt hội viên nông dân. Nhiều mô hình chi tổ hội nghề, tổ hợp tác đã liên kết báo tiêu sản phẩm cho hội viên nông dân như chi hội chăn nuôi bò Điện Phước, tổ hội Hoa mai vàng Điện Nam Trung,  tổ hợp tác nấm Điện Hòa... Đối với liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm với nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Hội nông dân từ thị xã đến cơ sở đã tuyên truyền vận động hội viên tham gia và nhân rộng nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có hiệu quả như: Mô hình liên kết sản xuất lúa giống đem lại hiệu quả gấp 1,5 đến 2 lần; Mô hình liên kết sản xuất lúa lai mang lại hiệu quả gấp từ 3 đến 4 lần so với sản xuất lúa thương phẩm. Hay mô hình liên sản xuất lúa gạo chất lượng cao giống lúa ST 24, Mô hình liên kết sản xuất lúa ST 25…; Mô hình liên kết xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo Phong Thử xây dựng sản phẩm OCOP gạo quê Phong Thử… Với những mô hình liên kết sản xuất lúa gạo, hằng năm trên địa bàn thị xã sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị trên 500ha lúa giống với trên ngàn hội viên tham gia. Bên cạnh đó, nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả như: mô hình nuôi Ốc bưu đen; Mô hình liên kết sản xuất cá lồng bè; Mô hình liên kết sản xuất nấm; Mô hình liên kết chăn nuôi bò; Mô hình liên kết sản xuất rau, hoa, màu… đã đem lại hiệu quả cao góp phần tăng thu nhập cho hội viên nông dân.

      Ông Nguyễn Chánh Thiện, Chủ tịch Hội nông dân thị xã cho biết thêm: để có được những kết quả đó, trong quá trình triển khai thực hiện Hội nông dân thị xã đã tuyên truyền vận động hội viên phải kiên trì phân tích, giải thích để hội viên nắm vững các cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước sát với thực tiễn của nông dân. Đặt biệt làm cho hội viên thấy được những lợi ích thiết thực khi tham gia thực hiện. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn làm việc cụ thể với các bên tham gia liên kết để mỗi đều chia sẽ lợi ích khi tham gia liên kết. Cùng với đó, Hội nông dân thị xã, các xã, phường đã tổ chức tham tham quan, trao đổi kinh nghiệp những mô hình liên kết có hiệu quả của các địa phương để tạo niềm tin cho hội viên; đồng thời, sơ kết, tổng kết mô hình đạt hiệu quả”.

      Để phát huy hơn nữa vai trò của Hội Nông dân trong trong vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết tạo ra giá trị sản phẩm, thời gian đến, Hội Nông dân thị xã xã tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động nông dân tham gia liên kết sản xuất trong nông nghiệp; phát huy vai trò của các cấp Hội Nông dân trong xây dựng và làm nòng cốt thực hiện các mô hình sinh hoạt để tập hợp nông dân có cùng ngành nghề, khi có đủ điều kiện thì hướng dẫn hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi liên kết tạo ra giá trị sản phẩm. Đặc biệt, Hội phát huy vai trò của các Chi – Tổ hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác, HTX, các CLB trong vận động nông dân tự nguyện liên kết sản xuất theo chuỗi liên kết tạo ra giá trị sản phẩm. Phối hợp với các cơ quan ban ngành tổ chức quảng bá các sản phẩm đặt trưng của địa phương, tổ chức nhiều diễn đàn, tọa đàm để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết sản xuất, tham quan học tập mô hình liên kết hiệu quả, chú trọng hỗ trợ nông dân xây dựng ý tưởng khởi nghiệp. Thông qua đó khơi dậy và phát huy tiềm năng của nông dân. 

Thu Hằng

       Sáng qua, ngày 8/10, tại UBND phường Điện Ngọc, các lực lượng chức năng thị xã đã phối hợp với UBND phường Điện Ngọc tổ chức ra quân kiểm tra, xử lý việc buôn bán trái phép, tự phát, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn phường Điện Ngọc. 
 
 
       Việc ra quân kiểm tra, xử lý buôn bán trái phép, tự phát, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn phường Điện Ngọc đã được UBND thị xã xây dựng kế hoạch, họp bàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai đồng bộ, hiệu quả nhằm xử lý nghiêm, triệt để việc vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường, họp chợ làm nơi buôn bán gây mất mỹ quan đô thị.
       Trong buổi sáng ra quân, các lực lượng chức năng đã phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt luật giao thông đường bộ, nhắc nhở các hộ kinh doanh buôn bán 2 bên tuyến đường Trần Hưng Đạo và các tuyến đường trục chính trên địa bàn phường không đặt biển hiệu lấn chiếm lòng, lề đường, không cho người khác thuê, mướn diện tích đất vỉa hè phía trước nhà để buôn bán lấn chiềm lòng lề đường. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng đã xử lý nghiêm các trường hợp đậu, đỗ các phương tiện dưới lòng đường trái quy định, xử lý các phương tiện không chấp hành theo Luật giao thông; xử lý, tịch thu các biển hiệu, biển quảng cáo lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè.
 
     
 
       Thời gian đợt ra quân được tiến hành trong 30 ngày (từ ngày 8/10 đến ngày 8/11/2024), buổi sáng từ 6 giờ đến 8 giờ, buổi chiều từ 15 giờ đến 18 giờ hàng ngày. Đây là hoạt động nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả trong công tác quản lý trật tự đô thị, đảm bảo tình hình trật tự, an toàn giao thông, tạo thuận lợi cho Nhân dân đi lại đảm bảo đường thông hè thoáng.
 
                                                                                                          Tào Ka

       Sáng ngày 3/10, UBND xã Điện Thọ tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024 trên địa bàn xã. Tham dự có ông Trần Viết Mai - TUV, Bí thư Đảng ủy xã; ông Trần Công Vũ - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã; bà Nguyễn Thị Lân - UVBTV Đảng ủy, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam xã.
       Bà Nguyễn Thị Thu Sương - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã, chủ trì hội nghị.
 
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn xã (tính đến ngày 24/9) đạt trên 20 tỷ đồng. Ảnh T.K
 
       Trong 9 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã ước đạt hơn 503 tỷ đồng, đạt 99,57% kế hoạch năm; tổng sản lượng lương thực cả năm (có hạt) ước đạt 9.186,79 tấn, đạt 122,49% kế hoạch năm; sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 215,5 tấn, đạt 103% kế hoạch năm; tỷ lệ tiêm phòng trên tổng đàn gia súc, gia cầm đạt 90%.
       Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn xã (tính đến ngày 24/9) đạt 20 tỷ 211 triệu đồng, đạt 184% so với dự toán đầu năm; tổng chi là 10 tỷ 770 triệu đồng, đạt 99,4% so với dự toán đầu năm.
       Công tác quy hoạch và xây dựng nông thôn mới được chú trọng đầu tư và xây dựng, UBND xã đã phối hợp với Viện quy hoạch đô thị nông thôn Việt Nam và các ngành chức năng của thị xã xây dựng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung (tỷ lệ 1/5.000) xã; tiến hành thi công 6 tuyến đường giao thông nông thôn tổng chiều dài 1.232m với kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng. Trong 9 tháng, đã tiếp nhận 11 đơn thư các loại, tất cả đơn thư được các ban, ngành xã phối hợp giải quyết, không có đơn thu tồn đọng. Lĩnh vực văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; công tác chính sách và an sinh xã hội được đảm bảo, sự nghiệp giáo dục đạt được nhiều kết quả, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng, an ninh được đảm bảo. 
       Hội nghị đã thảo luận, đề ra những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong 3 tháng cuối năm 2024 trên địa bàn xã.
                                                                                                           Tào Ka

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019899311
Hôm nay
Hôm qua
6428
8141