0235.3867334

       Sáng ngày 2/1, UBND xã Điện Phong tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2024; triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025.
       Năm 2024, trên cơ sở quán triệt Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã và chỉ tiêu kế hoạch thị xã giao, UBND xã đã tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, cụ thể hoá thành các chương trình công tác, đồng thời xây dựng kế hoạch và tập trung chỉ đạo các ngành, thôn tổ chức thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ  đề ra. 
 
 
       Về kinh tế: tổng giá trị sản xuất trong năm đạt 577,720 tỷ đồng, đạt 101,6 %, so với kế hoạch năm. Trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp cả năm đạt 157,74 tỷ đồng; Giá trị sản xuất CN-TTCN: 155,44 tỷ đồng; Giá trị thương mại- dịch vụ: 264,54 tỷ đồng. Về nông nghiệp: Tổng diện tích gieo trồng năm 2024: 1.258 ha đạt 101% kế hoạch năm. Tình hình chăn nuôi duy trì mức tăng trưởng, có bước phát triển cả về lượng và chất. Tổng đàn gia súc hiện nay là 4.724 con, trong đó đàn bò 2.343 con, tổng đàn gia cầm 14.800 con. Trong năm đã tổ chức triển khai 2 đợt tiêm phòng bệnh lỡ mồm long móng và bệnh tụ huyết trùng đạt tỷ lệ trên 91,7% tổng đàn; Tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho đàn bò đạt tỷ lệ trên 97,5% tổng đàn. 
       Tổng thu Ngân sách nhà nước xã năm 2024 là: 19.203.781.000 đồng. Văn hóa xã hội có bước phát triển. Công tác trực sẵn sàng chiến đấu được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả, đảm bảo theo dõi nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
       Hội nghị thảo luận thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Mi Ni

       Năm 2024, công tác tham mưu cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các Hội đoàn thể là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân xã Điện Minh, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân.

       Hội Nông dân phường đã chủ động tham mưu cấp ủy về các vấn đề liên quan đến lợi ích chính đáng của hội viên, nhu cầu phát triển sản xuất, đời sống và các vấn đề xã hội ở khu vực nông thôn, xây dựng kế hoạch hoạt động của năm. Đưa ra những ý kiến, kiến nghị nhằm hoàn thiện các chính sách hỗ trợ nông dân, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, môi trường và công tác xóa đói giảm nghèo. Đề xuất những mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Hội phối hợp với chính quyền trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân, đặc biệt là các chương trình vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân. Cùng với các Hội đoàn thể khác, Hội Nông dân phối hợp triển khai các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, giúp đỡ những đối tượng yếu thế trong cộng đồng.

       Bên cạnh đó, công tác xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh và việc vận động nông dân xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng giống lúa ST25 và phân bón hữu cơ quế lâm, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển nền nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và cải thiện đời sống cho nông dân. Để đạt được những mục tiêu này, cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp từ công tác tổ chức Hội cho đến việc hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

       Do đó, Hội Nông dân phường Điện Minh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, giới thiệu về giống lúa ST25, những ưu điểm của giống lúa này về năng suất, chất lượng và giá trị thị trường. Đồng thời, tạo sự tin tưởng cho nông dân về khả năng thành công của mô hình sản xuất lúa ST25 thông qua các điển hình nông dân sản xuất giỏi đã ứng dụng thành công giống lúa này.

       Hội phối hợp với trung tâm giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cung cấp các kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa ST25, từ việc chuẩn bị đất đến thu hoạch; cung cấp giống lúa ST25 chất lượng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân, đồng thời tạo điều kiện cho họ tiếp cận các dịch vụ nông nghiệp hiện đại.

       Một trong những vấn đề quan trọng khi phát triển mô hình sản xuất lúa chất lượng cao là đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Hội Nông dân phường Điện Minh đã phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân tỉnh tiêu thụ lúa ST25 để hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ.

       Hội cũng phối hợp cùng các ngành chuyên môn liên quan thực hiện các chương trình quảng bá về chất lượng lúa ST25, tạo thương hiệu cho sản phẩm gạo ST25 của nông dân qua các chương trình hội chợ trưng bày snr phẩm của hội nông dân các cấp.

       Việc xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh, vận động nông dân sản xuất lúa chất lượng cao ST25, bao tiêu sản phẩm đầu ra là những nhiệm vụ quan trọng giúp nông dân phát triển kinh tế bền vững. Chỉ khi các yếu tố này được triển khai đồng bộ, Hội nông dân phường Điện Minh đã tạo ra những thay đổi tích cực trong đời sống nông dân, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao tại địa phương.

Thu Hằng

        Ngày 28/12, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Hội nông dân thị xã Điện Bàn cùng các đơn vị tổ chức ra quân triển khai mô hình thí điểm “Cánh đồng mẫu không dấu chân” tại khối phố Đông Khương 1 và Triêm Trung 2, phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn. Dự chương trình có ông Bùi Quốc Yên - Chánh văn phòng Hội Nông dân, kiêm Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam; ông Nguyễn Chánh Thiện, Chủ tịch Hội nông dân thị xã Điện Bàn.

        Phát biểu tại buổi ra quân, ông Bùi Quốc Yên - Chánh văn phòng Hội Nông dân, kiêm Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam cho biết: Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp. Xây dựng chuỗi giá trị cho các nông sản hàng hóa là một trong những giải pháp quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của toàn ngành nông nghiệp.

        Do đó, với xu thế công nghệ hóa trong nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ máy bay không người lái để sạ giống - bón phân - phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ dịch hại trên cây lúa cho thấy được nhiều tiện ích. Sự hỗ trợ của máy bay không người lái sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, quan trọng nhất là nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn lao động, sức khỏe của người nông dân.

        Được sự thống nhất của Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Hội Nông dân thị xã Điện Bàn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện Bàn, Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Quảng Nam triển khai mô hình thí điểm "Cánh đồng mẫu không dấu chân", nhằm liên kết theo chuỗi giá trị lúa thương phẩm, giống Dibarice 13/2 và ra mắt dịch vụ sạ giống - bón phân - phun thuốc bằng máy bay không người lái cho hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

        Mô hình được thực hiện trên diện tích 4ha tại cánh đồng khu C, khối phố Đông Khương 1 và Triêm Trung 2, phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn với 10 hộ gia đình hội viên nông dân tham gia. Mô hình này được sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện Bàn đầu tư giống lúa Dibarice (Đi ba rai) 13/2 và thuốc bảo vệ thực vật diệt cỏ tiền nãy mầm theo hình thức trả chậm. Công ty cam kết thu mua toàn bộ lúa thương phẩm của mô hình với giá cao hơn 200 đồng/kg so với giá lúa tại thị trường ở phường Điện Phương và khấu trừ 1kg lúa giống bằng 2kg lúa khô thương phẩm.

        Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Quảng Nam tiến hành sạ giống - bón phân - phun thuốc bằng máy bay không người lái. Đây là công nghệ mới được áp dụng vào trong sản xuất nông nghiệp nhằm giúp tiết kiệm giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, qua đó tăng năng suất, tăng chất lượng nông sản, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường sinh thái và tiết giảm nhân công lao động.

        Thời gian để máy bay không người lái hoàn thành sạ lúa diện tích 20.000m2 chỉ mất từ 2,5 - 3 tiếng. So với gieo sạ truyền thống, ứng dụng máy bay không người lái vừa giảm lượng lúa giống gieo sạ. Ngoài ra, khi sạ bằng máy bay không người lái, độ bao phủ đều hơn, mật độ nảy mầm lên cũng sẽ hiệu quả hơn so với sạ tay. Đặc biệt là không hề có những dấu chân trên mặt ruộng, giảm chi phí, sức lao động.

        Với những lợi ích từ việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất, hi vọng rằng trong thời gian tới, các cơ sở hội và hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, thị xã Điện Bàn sẽ tích cực hưởng ứng tham gia dịch vụ này, góp phần giúp tiết kiệm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, qua đó tăng năng suất, tăng chất lượng nông sản, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường sinh thái.

Thu Hằng             

      Sáng ngày 10/12, tại Nhà văn hoá và cánh đồng thôn Lạc Thành Đông - xã Điện Hồng, Hội Nông Dân thị xã Điện Bàn tổ chức Chương trình Phát động ra quân đầu vụ thực hiện sản xuất Nông nghiệp Đông Xuân 2024 - 2025.

 

     Tham dự chương trình có ông Nguyễn Minh Hiếu - Uỷ viên Ban thường vụ Thị ủy - Phó Chủ tịch UBND thị xã; bà Trần Thị Hà - Phó Ban Dân vận Thị ủy; ông Nguyễn Chánh Thiện - Chủ tịch Hội Nông Dân thị xã.

      Chương trình nhằm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân (2024-2025); tuyên truyền vận động bà con nông dân thực hiện gieo trồng đúng thời vụ. Chương trình ra quân diễn ra với các hoạt động như: Hướng dẫn pha trộn bả diệt chuột, diệt trừ cây mai dương, vệ sinh kênh mương, diệt ốc bưu vàng, Cày ải, đắp bờ giữ nước...

      Tại chương trình, Hội Nông dân thị xã đã trao tặng cho Hội Nông Dân xã Điện Hồng bộ nông cụ để Hội nông dân xã duy trì thực hiện mô hình "Ngày thứ bảy của nông dân"; Trao tặng 40 thẻ Bảo hiểm tai nạn cho hội viên nông dân.

      Sau lễ ra quân, Hội nông dân xã Điện Hồng tổ chức các hoạt động hưởng ứng như: Cày ải, diệt mai Dương, vệ sinh kênh mương, diệt Chuột tại cánh đồng thôn Lạc Thành Đông - xã Điện Hồng.

 

                                                                  Thu Hằng

       Chiều ngày 05/12, UBND phường Điện Thắng Bắc đã tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2024, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân năm 2024 - 2025. Tham dự Hội Nghị có ông Trần Văn Quang - Trưởng phòng Kinh tế thị xã; ông Ngô Văn Tân - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật Nông nghiệp thị xã.
 
 
       Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn phường Điện Thắng Bắc có nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, đời sống Nhân dân được ổn định về mọi mặt. Sản xuất nông nghiệp phát triển, năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm nông sản đạt giá trị cao, tổng diện tích gieo trồng cả năm là 120 ha, cây lương thực có hạt là 15 ha, trong đó diện tích gieo trồng cây lúa là 105 ha, năng suất bình quân  63 tạ/ha. Đến nay, toàn  phường ước tính có hơn 416 con gia súc và trên 90.000 con gia cầm. Công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc xin trên đàn gia súc đạt tỷ lệ cao. Công tác tuyên truyền phòng chống bệnh dại trên đàn chó, mèo với tổng số lượng là 376/398 con, đạt tỷ lệ 95% trong toàn phường.
       Hội nghị đã thảo luận nêu ra những tồn tại, hạn chế của năm 2024 và bàn giải pháp triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2025, đồng thời triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2024 - 2025 với các giống lúa chủ lực có thời gian sinh trưởng từ 105 đến 115 ngày như Thiên Ưu 8, TBR225, Bắc Thịnh, HT1, Hà Phát 3, ĐT 100. 
                                                                                                            Tào Ka

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019899631
Hôm nay
Hôm qua
6748
8601