0235.3867334

       Thời gian qua, Hội LHPN phường Vĩnh Điện tiếp tục hướng dẫn các chi hội tiếp tục thực hiện chương trình Việc làm nhỏ - Công trình lớn để thực hiện chương trình Mẹ đỡ đầu nhằm phát huy tinh thần tương thân tương ái của hội viên phụ nữ, lan toả yêu thương, truyền cảm hứng nhằm đảm bảo tất cả trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn đều được đỡ đầu.

       Qua khảo sát, Hội nhận thấy vẫn còn rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần trong học tập cũng như cuộc sống nên tháng 5/2022, Hội LHPN phường đã xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình bán hàng gây quỹ “Bữa sáng san sẻ yêu thương” với hình thức vận động các tổ chức, cá nhân, cán bộ, hội viên phụ nữ ủng hộ nguồn quỹ ”Mẹ đỡ đầu” của các chi hội dùng bữa sáng yêu thương tại nhà văn hoá các khối phố. Hội LHPN phường ban hành giấy mời ghi rõ nội dung, ý nghĩa của chương trình, các chi hội gửi giấy mời đến từng hộ dân vận động chị em phụ nữ tham gia, ủng hộ.

       Nhận thấy ý nghĩa nhân văn của mô hình, 6/6 chi hội khối phố và chi hội chợ Vĩnh Điện đều tổ chức bán gây quỹ được 49.091.000 đồng. Niềm vui từ mô hình đó là được bà con nhân dân đồng tình ủng hộ và duy trì đều đặn qua hơn 3 năm qua.

       Để chương trình ngày càng lan toả, Hội tổ chức chương trình Toạ đàm “Những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chương trình “Mẹ đỡ đầu”  từ mô hình ”Bữa sáng san sẻ yêu thương” với sự tham dự của các bậc phụ huynh, các em học sinh được nhận đỡ đầu và các mạnh thường quân. Tại buổi toạ đàm những bậc ông bà, cha mẹ và cả các em đã nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Mỗi em một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có một điểm chung là sự ham học và ý chí, nghị lực. Sau buổi toạ đàm, đã có nhiều mạnh thường quân nhận đỡ đầu các em.

       Ngoài số tiền được nhận đỡ đầu từ 2 triệu – 5 triệu đồng/năm, Hội còn kết nối tặng sách vở, dụng cụ học tập, xe đạp ... cho một số em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để tiếp thêm động lực cho các em đến trường. Với nhiều cách làm linh hoạt, sau 3 năm thực hiện mô hình “Bữa sáng san sẻ yêu thương”, cùng kết nối với các mạnh thường quân, Hội LHPN phường Vĩnh Điện đã gây quỹ hơn 140 triệu đồng, nhận đỡ đầu 103 lượt trẻ em với hơn 200 triệu đồng.

       Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay việc vận động thực hiện mô hình “Bữa sáng san sẻ yêu thương” và chương trình “Mẹ đỡ đầu”  vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo bà Đỗ Thị Luận – Chủ tịch Hội LHPN phường Vĩnh Điện, để mô hình “Bữa sáng san sẻ yêu thương” và chương trình “Mẹ đỡ đầu” tiếp tục duy trì và hiệu quả thì cần chú trọng một số nội dung cụ thể: chọn thời gian tổ chức chương trình phù hợp, linh hoạt các món ăn để bán thay mì Quảng, làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình bằng nhiều hình thức: qua truyền thanh, mạng xã hội, các nhóm zalo, facebook nội bộ từng khối phố, chi hội; nên ban hành giấy mời đến tất cả các hộ dân trên địa bàn từng khối phố, ghi rõ nội dung, mục đích chương trình. Tất cả nguồn quỹ từ hoạt động đều phải được công khai minh bạch; đồng thời phải xây dựng quy chế hoạt động thực hiện nguồn quỹ một cách cụ thể, rõ ràng. Việc xét chọn trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh thực tế, tránh trường hợp bỏ sót và ưu tiên những em có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Huyền Chi

       Hiện nay, xã Điện Phước có 2.262 hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó hội viên nông dân là 1.643 hội viên, chiếm 72,63%. Trong những năm qua, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, nâng cao đời sống cho hội viên nông dân trên địa bàn.

       Hội Nông dân xã đã vận động hội viên và nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất phát triển kinh tế. Phối hợp với Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn, UBND, khảo sát nhu cầu lao động, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… cho hàng trăm lượt hội viên nông dân ở các thôn trong xã, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng các loại cây trồng, con vật nuôi, tăng thêm nguồn thu nhập cho các hộ gia đình. Đồng thời, đã tư vấn hướng dẫn bà con nông dân tiếp cận với các nguồn vốn vay để tổ chức sản xuất. Nhờ đó, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mới, như mô hình trang trại bò 3B, mô hình cây ăn quả, mô hình trồng nấm, máy gặt đập liên hợp… mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho nông dân…

       Bên cạnh đó, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư'', Hội Nông dân từ xã đến các chi hội đã tập trung chỉ đạo, vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa. Qua đó, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giảm các tệ nạn xã hội, lành mạnh hóa môi trường. Ngoài ra, nông dân trong toàn xã luôn nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, ủng hộ hàng chục triệu đồng, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, ngày công lao động, giúp cho những gia đình nghèo có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống… Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, Hội nông dân xã luôn gắn kết các phong trào của hội với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Kết quả hàng năm tỷ lệ gia đình hội viên đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa càng được nâng lên.

       Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã được cán bộ và hội viên nông dân tích cực tham gia, hưởng ứng với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả; nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ Khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đầu tư kinh phí, sức lao động để phát triển trang trại, gia trại, mô hình  kinh tế hộ, nhất là trong điều kiện xã Điện Phước đang chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cùng với các chính sách khuyến khích hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của Tỉnh và Thị xã nên đến nay trên địa bàn xã đã có trên 10 mô hình phát triển sản xuất, trong đó 05 mô hình quy mô vừa và 6 mô hình quy mô nhỏ, điển hình là mô hình: Chăn nuôi bò 3B thương phẩm liên kết quy mô 100 con/lứa/mô hình, lợi nhuận hằng năm hơn 1 tỷ đồng thu hút nhiều cán bộ, hội viên nông dân từ các địa phương đến tham quan học tập; mô hình nuôi thỏ thịt 500con/lứa; mô hình nuôi chồn hương hộ gia đình, mô hình trồng nấm bào ngư, nấm rơm tại hộ gia đình. Hỗ trợ xây dựng 1 chi hội nghề nghiệp chăn nuôi bò với 31 thành viên với 325 con bò lai sinh sản, bò 3B thương phẩm, 01 Tổ hợp tác Chăn nuôi heo có 3 thành viên, hiện đang tham gia chăn nuôi khoảng gần 50 con heo….Những kết quả đó đã trực tiếp tạo nên những khởi sắc của bộ mặt nông thôn đặc biệt là đã góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho hội viên, nông dân.

       Những kết quả đạt được trong thời gian qua, đã khẳng định được việc hội nông dân xã đã làm tốtPhong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tổ chức hoạt động tốt các mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt đã phát huy tốt vai trò của nông dân trong xây dựng quê hương.

       Với những thành tích đạt được, 4 năm liên tục, Hội nông dân xã Điện Phước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Hội và phong trào thi đua, được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam năm 2019-2020 và 2022-2023. Cùng với các giấy khen chuyên đề của Thị uỷ, UBND thị xã như: Mô hình Dân vận khéo tiêu biểu “Nuôi bò công nghệ cao”; Đã có thành tích xuất sắc trong 2 năm thực hiện kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XIII…Tại Hội nghị thi đua yêu nước thị xã Điện Bàn vừa được tổ chức, Hội nông dân xã Điện Phước được biểu dương, khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc nhiều năm liền dẫn đầu phong trào thi đua trong thực hiện công tác Hội và phong trào nông dân.

Thu Hằng

       Thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, sáng ngày 29/4/2025, Hội CCB xã Điện Hồng tổ chức chương trình bàn giao nhà nghĩa tình đồng đội cho hội viên Hà Phước Trung - thôn Lạc Thành Đông. Tham dự có ông Thái Bá Hiệp – Thường trực Hội CCB thị xã; bà Nguyễn Thị Lá – UVBTV, Chủ tịch UBMT xã.

       Ông Hà Phước Trung là hội viên CCB có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, bản thân là thương bình, bị tại biến nằm một chỗ. Hiện  sống trong ngôi nhà đã xuống cấp và không có điều kiện xây mới. Trước hoàn cảnh của gia đình, Hội CCB xã vận động hội viên và các mạnh thường quân hỗ trợ gia đình nguồn kinh phí để xây dựng lại ngôi nhà. Sau thời gian thi công ngôi nhà cấp bốn có diện tích 50m2, tường xây, mái lợp tôn với tổng trị giá 100 triệu đồng được hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó, Hội CCB xã hỗ trợ 60 triệu đồng, phần còn lại gia đình đóng góp.

       Tại buổi bàn giao, Hội CCB thị xã và địa phương đã trao tặng gia đình nhiều phần quà ý nghĩa, đồng thời mong muốn gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

Mi Ni

          An toàn thực phẩm là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của xã hội. Với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố"của Tháng hành động năm nay, một lần nữa khẳng định trách nhiệm chung trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng hình ảnh địa phương an toàn, thân thiện.

Thị xã Điện Bàn, với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh Quảng Nam, thị xã luôn xác định công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có trên 2.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và du khách.

 

         Trong những năm qua, thị xã đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp, đến đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhờ đó, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn thị xã không xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào. Đồng thời, thị xã cũng đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm OCOP đạt chuẩn, góp phần cung ứng thực phẩm sạch, chất lượng cao cho người tiêu dùng.

Tại trường mẫu giáo Điện An, Ban giám hiệu nhà trường xác định: Sức khỏe học sinh là nền tảng của mọi thành công trong giáo dục. Và muốn có một thế hệ khỏe mạnh, trước tiên chúng ta cần bảo vệ an toàn cho từng bữa ăn của trẻ; do đó, thời gian qua, công tác đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú tại trường luôn được quan tâm chú trọng hàng đầu và đã thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo ATTP và đạt hiệu quả cao. 

Để thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm trong thời gian đến, nhà trường cũng cam kếtthực hiện đúng các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm; người trực tiếp cung cấp dịch vụ ăn uống cho nhà trường có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; thực hiện khám sức khoẻ theo quy định; thực hành kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định; Cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm với cơ quan chức năng có thẩm quyền của địa phương theo đúng quy định…

         Tuy nhiên, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay trên địa bàn thị xã vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đó là: Công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ còn gặp nhiều khó khăn; hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số chợ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm; tình trạng thực phẩm giả, thực phẩm không an toàn vẫn tồn tại trên thị trường; thói quen lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến; việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý.

          

 

            Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2025 là một cơ hội để mỗi người dân cùng nhau nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và hành động một cách quyết liệt hơn nữa vì mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm cho mọi người dân.

  Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và toàn thể Nhân dân, Tháng hành động sẽ thành công tốt đẹp, góp phần xây dựng một môi trường sống an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững cho thị xã Điện Bàn.

 

                                                                      Thu Hằng

       Sáng ngày 23/4/2025, tại thị xã Điện Bàn, UBND tỉnh đã phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2025. Dự lễ phát động có ông Trần Anh Tuấn, PCT UBND tỉnh; bà Nguyễn Thị Thanh Phương, PCT UBMTTQVN tỉnh; ông Nguyễn Văn Quý, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh. Tại thị xã Điện Bàn có ông Lê Văn Quang, PBT TT thị uỷ; bà Nguyễn Thị Minh Châu, PCT UBND thị xã; bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, PCT UBMTTQVN thị xã.

       Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2025 với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Trong tháng hành động (từ ngày 1/5 đến 31/5), toàn tỉnh sẽ diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng thiết thực.

       Mục đích tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ là tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, doanh nghiệp, người lao động trong công tác cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, bảo đảm tính mạng của người lao động; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, triển khai Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành đến doanh nghiệp và người lao động.

       Qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng, hoàn thiện các quy trình, biện pháp làm việc an toàn, giảm căng thẳng tại nơi làm việc; triển khai các chương trình hành động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc, góp phần hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

       Toàn tỉnh sẽ diễn ra nhiều hoạt động gồm tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra theo chuyên ngành hoặc liên ngành về ATVSLĐ, trong đó tập trung kiểm tra, thanh tra đối với các ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

       Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc ngành, lĩnh vực quản lý thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, tiêu chuẩn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, quan trắc môi trường lao động, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề, hợp tác xã.

       Tổ chức các hoạt động tư vấn, huấn luyện, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động; hướng dẫn xây dựng nội quy, quy trình làm việc an toàn; hướng dẫn, tư vấn cải thiện điều kiện lao động; tổ chức tuyên truyền, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động.

       Trong những năm qua, công tác an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn thị xã Điện Bàn đã được các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động ngày càng quan tâm. Hằng năm, UBND thị xã đều tổ chức các đoàn kiểm tra thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn; làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt trong tổ chức thực hiện tạo ra sự lan toả trong toàn xã hội. 

       Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị cần đưa công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động, tạo môi trường làm việc an toàn và bền vững.

       Ông Trần Anh  Tuấn đề nghị cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ; tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác ATVSLĐ; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh rà soát, phát huy những điển hình, việc làm hiệu quả, hạn chế tối đa các nguy cơ gây mất an toàn.

       Dịp này, UBND tỉnh, Cục việc làm Bộ Nội Vụ khen thưởng 8 tập thể, 4 cá nhân thực hiện tốt trong công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Thu Hằng

       Thời gian qua, Hội LHPN xã Điện Thọ đã phát huy tinh thần đoàn kết, tổ chức triển khai thực hiện nhiều chương trình, phần việc có ý nghĩa, trong đó đáng chú ý về công tác an sinh xã hội và đền ơn đáp nghĩa. Những việc làm của các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn xã đã được Hội cấp trên, cấp ủy, chính quyển ghi nhận đánh giá cao góp phần cùng Đảng bộ, Chính quyền xã Điện Thọ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa.

       Xác định công tác an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác hội, hội LHPN xã Điện Thọ đã đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, hội viên thông qua lồng ghép vào các ngày truyền thống của hội, sinh hoạt chi hội, sinh hoạt các câu lạc bộ; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ tặng quà hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn, các gia đình chính sách, các em học sinh nghèo, tặng phương tiện sinh kế giúp phụ nữ nghèo, khó khăn ổn định cuộc sống…

       Theo chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: trong năm 2024, BCH Hội LHPN xã đã kịp thời thăm và tặng quà cho cán bộ hội khó khăn và hội viên bị mắc bệnh nan y trên địa bàn xã 26 xuất quà với tổng kinh phí 7,8 triệu đồng; Hưởng ứng chương trình "chung tay vì người nghèo" do UBMT xã phát động, Hội LHPN xã đã vận động kinh phí trao 9 xuất quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trị giá 500.000đ/ xuất. Phối hợp cùng UBMT và các đoàn thể tổ chức liên hoan văn nghệ các cơ sở tôn giáo, tặng 45 xuất quà cho hội viên phụ nữ, người già có hoàn cảnh khó khăn tổng kinh phí 22,5 triệu đồng. Công tác vận động, xã hội hóa củng được chú trọng; vào các dịp Lễ, Tết, Hội đã vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm trao các phần quà ý nghĩa cho các hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đơn cử như Hội đã vận động chị Phan Thị Tú Trinh - HVPN của xã tặng 45 bộ SGK trị giá trên 25 triệu đồng cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn của xã; các chi hội PN thôn Đông Đức, Phong thử 2, Châu Thủy, La Huân vận động tặng trên 250 xuất quà trị giá 150 triệu đồng tặng hộ gia đình hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn trên địa bàn xã.

       Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình được các cấp Hội tích cực triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức như tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, xây dựng kế hoạch hoạt động các mô hình tổ, nhóm phụ nữ liên kết sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tạo điều kiện cho 14 chị được tiếp cận nguồn vốn vay tại NHCSXH để khởi sự kinh doanh với số tiền trên 1 tỷ đồng. Duy trì hoạt động “Dịch vụ nấu ăn”, trên toàn xã có hơn 250 dịch vụ nấu ăn, 2 cơ sở đan mây tre, cùng nhiều dịch vụ trông trẻ tại nhà và cơ sở làm nấm rơm đều do phụ nữ làm chủ, đã giải quyết cho hơn 1.000 lao động nữ tại địa phương có việc làm trong lúc nhàn rỗi, thu nhập bình quân từ 2 triệu đồng trở lên, tiêu biểu trong phong trào này là chi hội thôn Đông Đức, La Huân, Châu Lâu, Châu Thủy, Phong Thử 1, Kỳ Lam. Hội LHPN xã đã tổ chức ra mắt “Tổ hợp tác dịch vụ ẩm thực Điện Thọ” với 11 thành viên tham gia. Việc ra mắt giúp HVPN, hộ gia đình và cộng đồng có điều kiện học tập, trau đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế. Thực hiện hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ và nhiệm vụ của tổ chức Hội được phân công thực hiện trong chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

       Bên cạnh công tác anh sinh xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa đã được Hội LHPN xã triển khai nhiều hoạt động tri ân, những công trình, phần việc cụ thể như: phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho gia đình liệt sỹ, gia đình người có công với cách mạng, Mẹ VNAH, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn 80 xuất quà, trị giá 30 triệu đồng. Hội tặng 5 suất cho 2 Mẹ VNAH và 3 đồng chí nguyên cán bộ Hội khó khăn với số tiền 2,5 triệu đồng.

       Thực hiện tốt việc giám sát giải quyết chế độ chính sách của cấp trên đến các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội trên địa bàn xã với nguồn kinh phí 930.000.000 đồng cho 1.415 đối tượng chính sách và 767 xuất quà cho 767 hộ gia đình chính sách trị giá mỗi xuất 300.000 đồng kịp thời đúng đối tượng.

       Trong chuỗi các hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Thương Binh liệt sỹ 27/7 năm vừa qua, HVPN xã đã ra quân quét dọn, làm sạch Nghĩa trang Liệt sĩ xã. Tổ chức chương trình "Về với mẹ", nấu bữa cơm tri ân và tặng quà cho Mẹ VNAH Lê Thị Siêm - La Huân với tổng kinh phí 5 triệu đồng. Phối hợp tổ chức chương trình "Chuyến xe tri ân" đến thăm và tặng 15 xuất quà, với tổng kinh phí 7,5 triệu đồng cho Thương binh, Mẹ VNAH, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Phối hợp tổ chức chương trình "Thắp nến tri ân" và vận động mạnh thường quân tặng 20 xuất quà cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, tổng kinh phí 10 triệu đồng.

       Thông qua các hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, các cấp Hội Phụ nữ xã Điện Thọ đã ngày càng khẳng định vai trò của tổ chức hội, được hội viên tin tưởng và thu hút đông đảo chị em tham gia sinh hoạt, xây dựng tổ chức hội ngày càng lớn mạnh.

       Có thể nói, Những hoạt động mà Hội LHPN xã Điện Thọ đã tổ chức triển khai thực hiện đã thể hiện tình cảm và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo nên một nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa - xã hội: không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tào Ka

 

        CLB thanh niên vận động hiến máu Phân hiệu Học viện Hành chính và Quản trị công tại tỉnh Quảng Nam phối hợp với Đoàn Phân hiệu tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện  “Sắc đỏ Apag Quảng Nam” lần thứ 2 năm 2025.

        Với thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại", tại chương trình đã có gần 200 tình nguyện viên bao gồm sinh viên, giảng viên đăng ký tham gia hiến máu và thu được 132 đơn vị máu an toàn, góp phần bổ sung lượng máu quan trọng vào ngân hàng máu, phục vụ cho nhu cầu điều trị, cấp cứu, khắc phục tình trạng khan hiến máu, đem lại niềm hi vọng và sự sống cho nhiều người bệnh. Trong suốt chương trình Hiến máu tình nguyện, các tình nguyện viên đều được Ban Tổ chức cũng như các y, bác sĩ, điều dưỡng viên hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình, tận tình kiểm tra và chăm sóc sức khỏe trước, trong và sau quá trình lấy máu, như: đo huyết áp, lấy máu xét nghiệm, tư vấn sức khoẻ…; đồng thời, được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện, quà tặng và phục vụ ăn nhẹ tại chỗ. Số máu trên được bàn giao cho bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam quản lý và sử dụng trong điều trị bệnh cho người dân.

        Được biết trong thời gian qua, CLB tích cực tuyên truyền vận động sinh viên tham gia hiến máu theo chương trình phát động của thị xã Điện Bàn. Ngoài ra, CLB còn tích cực tham gia hiến máu đột xuất tại các bệnh viện, đồng thời tích cực tham gia hỗ trợ công tác tổ chức hiến máu của Hội CTĐ thị xã. Mỗi năm, CLB vận động hiến được trên 200 đvm góp phần cùng thị xã thực hiến tốt công tác hiến máu tình nguyện hằng năm.

Mi Ni

        Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam năm 2025 và hướng tới chào mừng 50 năm giải phóng miền nam thống nhất đất nước, sáng ngày 15/4 vừa qua, Trung tâm VHTT – TTTH thị xã phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo thị xã; thị Đoàn Điện Bàn tổ chức hội thi thiếu niên hoá trang nhân vật theo sách. Đây là hoạt động nhằm mang lại 1 sân chơi mới lạ, bổ ích và qua đó góp phần tuyên truyền phát triển phong trào đọc sách, tôn vinh các giá trị của sách, khẳng định tầm quan trọng của văn hoá đọc trong đời sống xã hội.

        Hóa trang nhân vật sách không chỉ là việc biến hóa bản thân thành hình ảnh của một nhân vật, mà còn là cách để chúng ta kỷ niệm và tái hiện lại những câu chuyện, những trang sách mà chúng ta yêu thích. Đó là cơ hội để đắm chìm trong thế giới tưởng tượng và đồng thời, là dịp để chia sẻ tình yêu với cộng đồng đam mê văn học.Hóa trang nhân vật sách không chỉ đơn giản là một hoạt động giải trí, mà còn là một cách để thể hiện sự tôn trọng và tình cảm đặc biệt dành cho những tác phẩm văn học. Bằng cách hóa trang thành nhân vật mình yêu thích, chúng ta có thể tỏa sáng với sự sáng tạo và niềm đam mê của mình, đồng thời kết nối với những người có cùng sở thích.

        Với hình thức sân khấu hoá, Hội thi đã tái hiện lại hình ảnh của những người chiến sĩ cộng sản gan dạ, kiên trung, bất khuất,… và cả sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ Việt Nam anh hùng như: chị Võ Thị Sáu, chị Đặng Thuỳ Trâm, anh Nguyễn Văn Trỗi, anh Lý Tự Trọng, Kim Đồng, Trần Quốc Toản, mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, nữ tướng Triệu Thị Trinh. Tại hội thi này, 20 thí sinh đến từ 20 trường THCS trên địa bàn thị xã đã hoá trang thành 20 nhân vật khác nhau thuộc các tác phẩm văn học, truyện của Việt Nam. Các thí sinh đều thể hiện phần thi của mình 1 cách tự tin, sinh động, hấp dẫn và truyền tải những thông điệp, bài học ý nghĩa.

        Có mặt tại Hội thi thiếu niên hoá trang nhân vật theo sách do Trung tâm VHTT – TTTH thị xã tổ chức, mỗi người đều được xem lại những nhân vật quen thuộc về các anh hùng, các nhân vật lịch sử, tất cả được tái hiện lại hình tượng nhân vật... bằng một hình thức mới, thông qua việc hoá thân của các em học sinh. Không những vậy, thông điệp, bài học kinh nghiệm các em đã trở thành những bài học quý cho thế hệ trẻ. Đa phần các thí sinh đều lựa chọn tái hiện các nhân vật nữ anh hùng Võ Thị Sáu, anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, chị Đặng Thuỳ Trâm.

        Mang đến hội thi với nhiều tác phẩm hay và ý nghĩa, với sự chuẩn bị công phu, các em học sinh đã hoá thân về những anh hùng dân tộc bằng diễn xuất truyền cảm, hào hùng kết hợp với hình thức sân khấu hóa, âm thanh sinh động khiến cho các tình tiết của câu chuyện dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, từ đó tạo cho khán giả có thêm niềm thích thú và đam mê tìm đọc các tác phẩm.

        Không chỉ hấp dẫn lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên, hội thi này đã thu hút nhiều bậc phụ huynh tham gia và cảm nhận được sở thích của giới trẻ hiện nay ngày càng phong phú, đa dạng và dù cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng các bạn trẻ vẫn yêu thích sách theo cách riêng. Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho hình tượng nhân vật Võ Thị Sáu của đơn vị Trường THCS Trần Quý Cáp; trao giải nhì cho đơn vị trường THCS Đinh Châu và Lê Ngọc Giá; trao 3 giải ba và 4 giải khuyến khích cho các đơn vị có thành tích trong hội thi. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 3 giải phụ và 10 giải cho các đơn vị tham gia tốt hội thi. Hội thi hoá trang nhân vật theo sách lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam năm 2025 ở Điện Bàn đã khép lại trong niềm vui và để lại ấn tượng đẹp trong lòng các thí sinh và khan giả. Hoạt động đã khẳng định rằng đọc sách không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về thế giới xung quanh mà còn là cách tuyệt vời để giải trí và tìm kiếm động lực sống tốt hơn.

Mi Ni 

 

 

      Anh Nguyễn Minh Thành, PCT UBND phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn luôn năng nổ, đi đầu trong mọi nhiệm vụ được giao; Là một trong 25 đảng viên trẻ tiêu biểu được Tỉnh đoàn Tuyên dương tại Hội trại “Thanh niên Quảng Nam tự tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới” vừa được tổ chức.

      Xác định, lý tưởng của thanh niên không chỉ là hoài bão cá nhân mà còn gắn liền với trách nhiệm đối với cộng đồng, với sự phát triển của quê hương, đất nước. Chính từ lý tưởng đó, anh Nguyễn Minh Thành đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đảng, xem đó là dấu mốc quan trọng để cống hiến nhiều hơn. Khi trở thành đảng viên, anh không chỉ mang trọng trách thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên mà còn là đại diện cho tinh thần xung kích, sáng tạo của thanh niên, luôn đi đầu trong các phong trào hành động cách mạng.

      Có hơn 10 năm gắn bó với công tác Đoàn tại địa phương, anh Nguyễn Minh Thành luôn giữ vững tinh thần nhiệt huyết, sự trách nhiệm và tận tâm, được đoàn viên, thanh niên và nhân dân trong phường tin yêu. Là một đảng viên trẻ, trước đây, khi còn là thủ lĩnh Đoàn phường Điện Ngọc, anh không ngừng vận động đoàn viên áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, giúp nhiều hộ thanh niên phát triển sản xuất, nhiều mô hình khởi nghiệp thành công. Anh cũng tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ban ngành tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện ý nghĩa. Các dự án như “Sắc màu yêu thương” – hỗ trợ sơn sửa hơn 10 ngôi nhà cho người có công, người già neo đơn, hay “Phục hồi ảnh cũ liệt sĩ” – trao tặng hơn 50 di ảnh cho thân nhân liệt sĩ đã để lại dấu ấn sâu sắc. Nhờ những đóng góp ấy, Đoàn phường Điện Ngọc liên tục dẫn đầu Thị xã Điện Bàn trong 6 năm (2019-2024).

      Từ một Bí thư Đoàn phường năng nổ, bằng sự phấn đấu không ngừng, năm 2024 anh Nguyễn Minh Thành được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc. Trên bất kỳ cương vị nào, anh vẫn luôn tận tâm với công việc, góp phần vào những kết quả đáng ghi nhận trong công tác an sinh xã hội, phong trào thi đua yêu nước.

      Với vai trò Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND phường, anh tiếp tục thể hiện sự gương mẫu, năng động, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, góp phần xây dựng địa phương phát triển vững mạnh. Anh chính là tấm gương luôn sẵn sàng cống hiến cho cộng đồng, truyền cảm hứng để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tiếp tục rèn luyện, cống hiến, đóng góp hết mình cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

      Đất nước đang chuyển mình tiến vào kỷ nguyên mới, những đảng viên trẻ thị xã Điện Bàn đã phát huy tinh thần "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", tiếp bước truyền thống của cha anh bằng những nhiệm vụ cụ thể, không ngừng học tập, rèn luyện, tiến quân nắm bắt khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Anh Thành và còn rất nhiều đảng viên trẻ khác là minh chứng sinh động cho tinh thần tiên phong, trách nhiệm và cống hiến của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Dù ở bất kỳ lĩnh vực nào – từ quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng đến công tác Đoàn – họ đều thể hiện bản lĩnh vững vàng, tinh thần sáng tạo và sự tận tụy trong công việc. Với ý chí không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ và khát vọng cống hiến, các bạn trẻ đang từng ngày khẳng định vai trò nòng cốt, góp phần đưa quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp và hiện đại. Họ chính là những hạt nhân tiêu biểu, tiếp nối truyền thống cách mạng, là nguồn cảm hứng để thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, đóng góp sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước trong thời kỳ mới.

Thu Hằng

       Những năm qua, trường mẫu giáo Điện Phước luôn được Phòng GDĐT thị xã Điện Bàn đánh giá một trong những trường đi đầu trong các phong trào thi đua của ngành. Nhà trường đã được Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 sau 5  năm và kiểm định chất lượng sau 5 năm.

       Trường Mẫu giáo Điện Phước được thành lập tháng 9/1979, nhà trường có 3 điểm trường. Trong đó điểm chính tại thôn Nhị Dinh 1, hai điểm còn lại tại thôn Hạ Nông Đông và thôn Nông Sơn 2. Tổng diện tích 3 điểm trường là 7.569 m2. Những năm qua, trường mẫu giáo Điện Phước luôn được Phòng GDĐT thị xã đánh giá 1 trong những trường đi đầu trong các phong trào thi đua của ngành, huy động mọi nguồn lực nâng cấp tường rào, cổng ngõ, cải tạo sân chơi, làm mái vòm che nắng và mua sắm đầy đủ trang thiết bị, đồ chơi ngoài trời… để phục vụ cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy học. Trường có đủ các Phòng, các phòng khối hành chính quản trị được xây dựng kiên cố và bán kiên cố. Tất cả các phòng được bố trí phù hợp trang bị đầy đủ các loại máy vi tính, CPU, có kết nối Internet, ti vi để phục vụ công tác quản lý và các hoạt động học của trẻ. Phòng sinh hoạt chung của trẻ đảm bảo đạt tối thiểu 1,5 m²/trẻ. Bếp ăn thiết kế theo quy trình vận hành bếp ăn 1 chiều, có tủ lạnh lưu mẫu thực phẩm sống, thức ăn chín và tủ sấy khay. Sân vườn có cây xanh và các khu vực đầy đủ các loại thiết bị, đồ chơi ngoài trời, khu chơi  cho  hoạt động thể chất và các kỹ năng vận động đều được đảm bảo an toàn. Khu trò chơi giao thông giúp trẻ phát triển khả năng nhận thức về an toàn giao thông. Khu sân khấu ngoài trời của nhà trường được bố trí ở khu vực thoáng mát. Phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong trường được thiết kế với không gian rộng rãi, thoáng mát, an toàn, có đầy đủ các khu vực cho trẻ học tập, vui chơi, nghỉ ngơi và ăn uống. Khu vực hiên chơi phía trước và sau tạo điều kiện cho trẻ phát triển các kỹ năng vận động và khám phá thế giới xung quanh một cách tự nhiên và đảm bảo diện tích theo quy định. Các thiết bị, đồ chơi đảm bảo an toàn cho trẻ, có tính giáo dục và phù hợp với trẻ về hình dáng và màu sắc.

       Để trẻ ham thích đến trường, nhà trường tạo nên một môi trường lớp học với những màu sắc sinh động, những nhân vật ngộ nghĩnh và luôn thay đổi để tạo ra sự hấp dẫn mới lạ đối với trẻ. Đồ dùng, trang thiết bị được bày biện một cách hấp dẫn, mang tính mở. Sân chơi cho trẻ có cây xanh bóng mát, mái che, thảm cỏ và những nhân vật trong truyện cổ tích. Với “tủ sách bé yêu”, các bé được nghe cô giáo đọc những bài thơ, câu chuyện để bé làm quen với “văn hóa đọc”.

       Điểm mạnh trong xây dựng NTM kiểu mẫu ở xã Điện Phước là tiêu chí giáo dục, trong đó trường mẫu giáo Điện Phước là một trong các trường tạo điểm nhấn. Việc xây dựng môi trường giáo dục “Lấy trẻ làm trung tâm” ở trường mẫu giáo Điện Phước hình thành nhân cách và phát triển toàn diện về mọi mặt cho trẻ. Môi trường giao tiếp cởi mở, thân thiện giữa cô với trẻ, giữa trẻ với trẻ và giữa trẻ với môi trường xung quanh đã tạo cơ hội cho trẻ hiểu nhau hơn, trẻ có thể lực khỏe mạnh, có kiến thức, biết yêu cái đẹp, tự tin trước đám đông, hình thành kỹ năng giao tiếp, ứng xử, lễ phép trong cuộc sống, tạo được niềm tin và sự thiện cảm đối với cha mẹ trẻ, lôi cuốn được sự tham gia nhiệt tình của gia đình và cộng đồng phối hợp cùng nhà trường trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Huyền Chi

TIN MỚI NHẤT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập:
019899492
Hôm nay
Hôm qua
6609
7198