



0235.3867334
Bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với điều kiện của Hội, chi hội phụ nữ khối phố Quảng Hậu Đông, phường Điện Nam Trung đã xây dựng thành công các mô hình gây quỹ hội giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Chi hội không những đẩy mạnh tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ hiểu vai trò của tổ chức hội và quyền, nghĩa vụ khi tham gia sinh hoạt hội, mà còn tập trung tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ hội. Đặc biệt, với mục đích bảo vệ môi trường và thực hành tiết kiệm, thời gian qua, mô hình “Chung tay bảo vệ môi trường” của chi hội phụ nữ Quảng Hậu Đông đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và người dân về công tác bảo vệ môi trường, đồng thời tạo nguồn quỹ giúp nhiều phụ nữ, trẻ em khó khăn trên địa bàn.
Hàng tháng, BCH chi hội vận động hội viên phụ nữ thu gom vỏ lon thực hiện chương trình “Công trình nhỏ, việc làm lớn”, số tiền bán phế liệu được chi hội nhập vào quỹ hội và hằng quý tổ chức bình xét để thăm hỏi, tặng quà cho hội viên, phụ nữ và trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả, hội đã thu gom được trên 200kg phế liệu các loại và thu được trên 1.000.000đ để tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, neo đơn, đồng thời động viên, tặng quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Chi hội cũng đã tổ chức giao lưu giải bóng chuyền giữa các Tổ phụ nữ nhằm gây quỹ tặng quà cho 1 gia đình hội viên bị bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn và 1 em học sinh nghèo.
Hoạt động của chi hội là một cách làm hay và ý nghĩa, đó là tạo nguồn để có thêm những món quà, giúp những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Phong trào gây quỹ để thực hiện các hoạt động nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội đã trở thành nét đẹp truyền thống, có sức lan tỏa sâu rộng trong các cấp hội phụ nữ ở chi hội phụ nữ khối phố Quảng Hậu Đông, góp phần thu hút ngày càng đông đảo hội viên tham gia”. Vì vậy, Hội LHPN phường chỉ đạo các chi hội áp dụng mô hình, phương thức gây quỹ phù hợp với điều kiện địa phương; hướng dẫn chi hội xây dựng quy chế quản lý, sử dụng quỹ dựa trên cơ sở thống nhất ý kiến của hội viên.
Thời gian tới, Hội LHPN phường tiếp tục tập trung chỉ đạo các chi hội đổi mới, sáng tạo nội dung, hình thức gây quỹ theo hướng thiết thực, phù hợp với điều kiện của địa phương; chú trọng xây dựng đội ngũ chi hội trưởng, chi hội phó nhiệt tình, có phẩm chất đạo đức, có năng lực và điều kiện để đảm nhận công tác; xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội, xây dựng đô thị văn minh tại địa phương.
Huyền Chi
Với mục đích huy động sự chung tay của Nhân dân trên toàn xã, các tổ chức, cá nhân, cơ sở tôn giáo trên địa bàn trong và ngoài thị xã hỗ trợ, chia sẻ kịp thời với những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, UBMT xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn đã phát động mô hình “Hộ khá giúp hộ khó”. Chỉ qua một thời gian ngắn phát động, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm trên địa bàn.
Tại buổi ra mắt mô hình “Hộ khá giúp hộ khó” vào tháng 6.2024, Mặt trận, các tổ chức chính trị, các khu dân cư trên địa bàn xã đã vận động gần 300 triệu đồng. Đồng thời trao 1 xe nước mía, 8 con bò giống, 3 bộ bàn ghế làm phương tiện sinh kế; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 5 nhà đại đoàn kết; vận động hàng chục triệu đồng hỗ trợ mai táng phí cho người neo đơn khi qua đời; trao 83 suất quà.
Gia đình chị Nguyễn Thị Lê, thôn Nhị Dinh 2, xã Điện Phước là hộ cận nghèo. Chồng chị mất sức lao động, chị không có công việc ổn định, hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Trước hoàn cảnh của chị, UBMT cùng các hội đoàn thể, UBND xã đã vận động kinh phí trao tặng gia đình hai con bò trị giá 29 triệu đồng làm sinh kế, giúp gia đình ổn định cuộc sống.
Hay như hoàn cảnh gia đình chị Đinh Thị Kim Loan, thôn Hạ Nông Đông, xã Điện Phước, chồng mất sớm, một mình chị nuôi hai con nhỏ, nhà cửa xuống cấp. UBMT xã Điện Phước đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ gia đình 75 triệu đồng sửa chữa, nâng cấp lại ngôi nhà. Từ đó, đã tạo tạo động lực giúp chị vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Từ khi ra mắt mô hình đến nay, việc giúp nhau cũng khá đa dạng, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu của hộ cần giúp đỡ. Hỗ trợ giúp nhau trong phát triển kinh tế, trong chuyển giao khoa học công nghệ, công tác an sinh xã hôị, hỗ trợ khó khăn đột xuất, hỗ trợ công tác khuyến học, khuyến tài và đặc biệt là ý thức tự vươn lên của các cá nhân, lan toả tình làng nghĩa xóm, thay đổi được cách nghĩ giúp cho mỗi người dân tự vươn lên số phận, vươn lên trong cuộc sống…
Thực tế hoạt động này đã được Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội, Ban công tác Mặt trận xã Điện Phước duy trì hằng năm, qua đó giúp đỡ được rất nhiều hoàn cảnh gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên lâu nay vẫn chưa có tên gọi nào để thể hiện rõ được ý nghĩa của hoạt động này. Chính vì thế mô hình “ Hộ Khá giúp hộ khó” ra đời đã kịp thời và thường xuyên hỗ trợ giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo, hộ khó khăn có cuộc sống ổn định hơn.
Mô hình “ Hộ Khá giúp hộ Khó”, đã thực sự phát huy hiệu quả, hi vọng thời gian đến, mô hình tiếp tục nhân rộng không chỉ trên địa bàn thị xã, góp phần lan toả tinh thần “tương thân tương ái, “cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bỏ lại phía sau”.
Thu Hằng
Ngay sau chương trình Phát động ra quân đầu vụ thực hiện sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2024 - 2025 do Hội Nông dân thị xã phát động tại xã Điện Hồng, Hội Nông dân các địa phương trên địa bàn thị xã đã tích cực tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa thu hút đông đảo hội viên nông dân và Nhân dân tham gia chuẩn bị cho vụ mùa Đông Xuân 2024 - 2025.
Đặc biệt, những ngày gần đây,tranh thủ thời tiết mưa lớn kéo dài, nông dân Điện Bàn đồng loạt tổ chức ra quân diệt chuột, bảo vệ mùa màng. Để đạt kết quả tốt, Hội Nông dân các địa phương vận động hội viên, nông dân những ngày qua tận dụng thời tiết mưa to, nước ngập đồng, chuột ít có nơi trú ngụ cũng tập trung diệt chuột với hình thức tiêu diệt bằng các biện pháp thủ công như: đào hang, đổ nước, bẩy, soi đèn để đập vào ban đêm…từ đó chuẩn bị tốt cho việc sản xuất vụ thời vụ tới.
Thông qua các hoạt động đã góp phần tạo khí thế thi đua sôi nổi cho bà con nông dân hưởng ứng các hoạt động ra quân phục vụ cho sản xuất Đông Xuân thắng lợi.
Thu Hằng
Việc sử dụng túi ni lông trong đời sống hàng ngày là thói quen tiêu dùng đã “gắn bó” từ lâu đời đối với với mọi gia đình, đặc biệt là chị em phụ nữ. Nhằm nâng cao ý thức của hội viên phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường và tầm quan trọng của việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, Hội LHPN phường Vĩnh Điện đã phát động và ra mắt “Tuyến đường có phân loại chất thải rắn tại hộ” trên 2 tuyến đường Trần Thị Lý, khối phố 1 và tuyến đường Phan Thành Tài, khối phố 2.
Trong thời gian qua, Hội đã tuyên truyền nhằm giúp cho hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức, hiểu biết về tác hại của túi ni lông nhằm giúp cho hội viên phụ nữ hiểu về việc dùng túi ni lông sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người đồng thời gây ô nhiễm môi trường. Hội cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giảm thói quen sử dụng túi nilong trong sinh hoạt hằng ngày như phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”, phong trào xách giỏ nhựa đi chợ, mô hình phân loại chất thải sinh hoạt tại hộ, ….
Tuy nhiên, lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày thải ra môi trường vẫn còn nhiều, việc sử dụng túi nilong có giảm nhưng không đáng kể. Trên tình hình thực tế tại địa phương, Hội LHPN phường Vĩnh Điện đã họp BCH và thống nhất triển khai thực hiện điểm “Tuyến đường có phân loại chất thải rắn tại hộ” tại tuyến đường Trần Thị Lý với 98 thành viên tham gia và chi hội phụ nữ khối phố 2 đăng ký thực hiện tuyến đường Phan Thành Tài với 51 thành viên tham gia.
Hội đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ, đồng thời vận động các hộ tham gia trang bị các thùng rác để phân loại và chứa rác sinh hoạt hàng ngày với 3 loại rác chủ yếu: rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế. Qua phát động, các gia đình đã trang bị mới 60 giỏ rác, 100 thùng rác trị giá 19.800.000 đồng. Hội cũng đã cùng chi hội phụ nữ khối phố 1, khối phố 2 đến từng hộ dân hướng dẫn và dán nhãn phân loại rác trên từng thùng rác sinh hoạt gia đình. Đa số chị em phụ nữ cũng đã nắm bắt việc phân loại rác và hạn chế sử dụng túi nilong, tái sử dụng rác tái chế nhằm giảm tối đa lượng rác thải ra môi trường.
Huyền Chi
Từ 1 thanh niên làm nghề thú y, nhận thấy vùng đất Gò Nổi nói chung và xã Điện Quang nói riêng với những loại cây trồng, vật nuôi vốn rất quen thuộc với người nông dân, bằng sức trẻ và tâm huyết của mình, đến nay anh đã xây dựng cho mình 1 trang trại chăn nuôi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, làm thay đổi những suy nghĩ của nhiều người về con đường khởi nghiệp của mình.
Đó là gương thanh niên Nguyễn Văn Đại, sinh năm 1991, tại thôn Bến Đền, xã Điện Quang. Là người sinh ra và lớn lên trên vùng quê thuần nông, người dân chủ yếu phát triển kinh tế từ trồng trọt và chăn nuôi nên bản thân anh đã hiểu được những khó khăn, vất vả của nghề nông. Sau khi học xong phổ thông, năm 2010, Đại gắn bó với ngành thú y làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp và đảm nhận thêm chức bí thư chi đoàn thôn. Nhưng với mong muốn lập thân, lập nghiệp ngay trên mảnh đất nơi mình sinh ra anh đã quyết định dồn hết đồng vốn tích góp được sau nhiều năm làm việc để đầu tư khởi nghiệp từ con bò với mô hình trồng cỏ, chăn nuôi bò thịt cao sản. Anh kể: Năm 2016, sau khi lập gia đình, với kinh nghiệm tích luỹ từ nghề thú y và nhận thấy việc phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò vốn đầu tư thấp, tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm nguồn thức ăn cũng như thời gian nhàn rỗi. Hơn nữa, bò là con vật nuôi ít gặp rủi ro hơn các vật nuôi khác mà kinh tế mang lại cao hơn. Nguồn thức ăn chính của bò là cỏ, rơm rạ, cây ngô và cám. Đây là nguồn nguyên liệu dễ trồng và được trồng chủ yếu trên các cánh đồng tại địa phương. Ban đầu anh chỉ nuôi 2 con, lấy ngắn nuôi dài, khi có nguồn vốn khấm khá, anh đầu tư nuôi theo mô hình trang trại, có thời điểm anh nuôi được 25 con. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, anh tiến hành thuê lại 5 sào đất sản xuất Nông nghiệp kém hiệu quả cùng với đất hiện có của gia đình. Anh trồng ngay 1 mẫu cỏ, kết hợp trồng ngô để có nguồn thức ăn thô xanh và thức ăn tinh phục vụ cho việc chăn nuôi bò. Cùng với đó anh bắt tay vào thiết kế và xây dựng khu chăn nuôi bò thịt rộng rãi và đầy đủ các thiết bị để phục vụ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Hiện tại, anh đang nuôi 6 con bò cái sinh sản và 8 con bò thịt vỗ béo. Giống bò anh đang nuôi là đàn bò 3B. Anh cho biết, anh mới vừa xuất bán 2 con, mỗi con có trọng lượng 500kg và đã thu về số tiền gần 100 triệu đồng. Đàn bò thịt trong chuồng hiện đã đạt trọng lượng trung bình 400kg. Theo ước tính, sắp tới xuất chuồng trung bình mỗi con bán được trên 40 triệu đồng. Mỗi năm, anh xuất bán từ 1 đến 3 lứa, sau khi trừ chi phí anh thu lãi 120 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn dùng nguồn phân để trồng rau, hoa màu phục vụ ăn uống cho gia đình. Qua 8 năm thực hiện mô hình, đến nay, kinh tế của gia đình anh Đại ngày càng phát triển, anh đã xây dựng nhà cửa khang trang và lo cho con ăn học. Bên cạnh việc tích cực tham gia phát triển kinh tế, anh thường xuyên tham gia các hoạt động Đoàn, Hội tại địa phương. Bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình làm kinh tế, anh luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những đoàn viên, thanh niên có khát vọng và ý tưởng làm giàu trên mảnh đất quê hương. Có thể khẳng định với sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ anh Đại đã bước đầu gặt hái được những kết quả tốt đẹp trong quá trình phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp. Qua đó, khẳng định được tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên của thế hệ trẻ hôm nay.
Xác định đây là nghề làm ăn lâu dài, tuy trước mắt còn khó khăn nhưng vẫn là lĩnh vực nhiều tiềm năng và có thể làm giàu được nên sắp tới anh sẽ tiếp tục tăng quy mô chăn nuôi, trong đó tập trung nuôi bò sinh sản để nâng cao thu nhập, đồng thời khai thác hết diện tích đất đai và nguồn lực sẵn có. Bằng mô hình này, anh không những phát triển kinh tế cho bản thân mà còn tạo việc làm thường xuyên cho người cha của mình
Rời trang trại, chúng tôi thấy ở anh một con người chịu khó, dám nghĩ, dám làm và luôn có một khát vọng làm giàu chính đáng trên mảnh đất Điện Quang nơi anh sinh ra và lớn lên. Mong rằng, mô hình của anh sẽ ngày càng phát triển và thành công hơn nữa, tiếp thêm động lực cho nhiều bạn trẻ trên đường khởi nghiệp của mình góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.
Mi Ni