Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, với chủ trương “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”, các hoạt động văn hóa đã cổ vũ tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Nhiều văn nghệ sỹ, các chiến sỹ mặt trận văn hoá đã lên đường vào tiền tuyến, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tiếng hát át tiếng bom”... Trải qua 2 cuộc kháng chiến, nhiều cán bộ công tác trong ngành Văn hóa - Thông tin đã anh dũng ngã xuống, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong đó, Đoàn vũ trang tuyên truyền văn nghệ Điện Bàn tham gia phục vụ kháng chiến chống mỹ có 38 người, có 10 người hy sinh, 6 người là thương binh.
Sau ngày đất nước thống nhất, huyện Điện Bàn (nay là thị xã) đã bắt tay ngay vào khôi phục kinh tế, văn hoá – xã hội, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn và thách thức nhưng lãnh đạo Điện Bàn vẫn chú trọng, quan tâm lĩnh vực văn hoá. Ngành Văn hóa – Thông tin và Truyền thanh từng bước tự đổi mới phương thức hoạt động, quản lý để phù hợp với tình hình mới, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam một cách toàn diện. Năm 1978, đã triển khai xây dựng Bảo tàng để lưu giữ những di sản văn hóa, những giá trị truyền thống cách mạng của quê hương Điện Bàn anh hùng.
Những năm thực hiện công cuộc đổi mới, phong trào văn hoá, văn nghệ thể dục thể thao trên địa bàn huyện không ngừng phát triển mạnh mẽ và gặt hái được nhiều thành tích nổi bật. Đặc biệt là thành tích các giải thể thao diễn ra tại nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương, thành phố Đà Nẵng . Với tinh thần, bản lĩnh và khát vọng thi đấu, các vận động viên huyện Điện Bàn thi đấu hết mình và để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người hâm mộ Đà Nẵng, đặc biệt đội bóng đá huyện Điện Bàn vinh dự đại diện cho tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thi đấu giải hạng nhì Quốc gia. (Nhiều VĐV tiêu biểu như: Nguyễn Đình Chín môn bóng đá, Hà Phước Nguyên môn chuyền, Phạm Thông môn Bóng Bàn).
Đến năm 1997, huyện Điện Bàn trở thành một huyện của tỉnh Quảng Nam được tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), đến nay gần 30 năm, với nhiều thăng trầm lịch sử, dù ngành VH-TT&TT-TH đã nhiều lần thay đổi tên gọi và thực hiện các nhiệm vụ khác nhau phù hợp với từng thời kỳ, nhưng ở thời kỳ nào , những người làm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh – truyền hình cũng hoàn thành một cách trọn vẹn, đẹp đẽ nhất lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh, chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Sau ngày quê hương được giải phóng, chính quyền cách mạng tiếp quản cơ sở chi thông tin của quận Điện Bàn, trong đó có một cụm truyền thanh với tháp loa 4 chiếc đặt ở ngã tư trung tâm Vĩnh Điện. Đến tháng 8/1975, Sở VHTT QNĐN đã giúp Điện Bàn xây dựng đài truyền thanh huyện với hệ thống máy tăng âm có công suất lớn và bố trí loa quanh khu vực Vĩnh Điện.
Ông Dương Tấn Huy – nguyên Trưởng Đài truyền thanh Điện Bàn cho biết, năm 1982, với phương châm “ở đâu có xóm, dân ở đó phải có loa truyền thanh” huyện đã đầu tư nâng cấp hệ phát sóng FM với tần số 98,7M đưa cánh sóng quê hương phủ khắp địa bàn. Đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 30 năm Cách mạng tháng 8 thành công và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 –2/9/1975), Đài truyền thanh Điện Bàn xướng nhạc hiệu và phát chương trình thời sự đầu tiên.
Ông Phạm Nên, nguyên Phó Đài truyền thanh Điện Bàn, nguyên Trưởng Phòng văn hoá huyện cho biết, đến khi cả huyện đi vào làm ăn tập thể, xây dựng HTX nông nghiệp, với phương châm “ở đâu có xóm, dân ở đó phải có loa truyền thanh”, 35 HTX tuy buổi đầu còn gặp muôn vàn khó khăn nhưng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trạm truyền thanh cơ sở, bố trí đường dây, hệ thống loa phủ khắp địa bàn thực hiện chức năng đưa thông tin về cơ sở. Năm 1982, Điện Bàn là huyện đầu tiên của tỉnh QNĐN được Tỉnh và Trung ương công nhận truyền thanh hoá. Thắng lợi này đã cổ vũ tiếp thêm nghị lực cho cán bộ truyền thanh từ huyện đến các xã, HTX. Một sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ nhất của ngành là vào sáng ngày 27/3/1982, nhân dịp khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V huyện Điện Bàn tổ chức Lễ khánh thành công trình Đài phát sóng huyện. Đây là đài phát sóng cấp huyện đầu tiên ở các tỉnh phía Nam. Sau đó, được lãnh đạo huyện, tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp hệ phát sóng FM với tần số 98,7M đưa cánh sóng quê hương phủ khắp địa bàn, mở ra một thời kỳ phát triển mới của sự nghiệp truyền thanh Điện Bàn.
Để xứng tầm với 1 đài có hệ thống phát sóng và nhất là đáp ứng yêu cầu nghe đài của nhân dân, đài huyện đã củng cố Ban biên tập, nâng cao chất lượng nội dung các chương trình thời sự, văn nghệ và cộng tác đắc lực cho các cơ quan báo chí ở Tỉnh và Trung ương, góp phần động viên mạnh mẽ các phong trào khai hoang, vỡ hoá, lợp lại màu xanh trên những cánh đồng, di dời mồ mả, phát động cao trào toàn dân làm thuỷ lợi, áp dụng tốt các biện pháp thâm canh, tăng vụ, phát triển ngành nghề xây dựng huyện thành huyện công nghiệp. Đài huyện còn mạnh dạn mở ra tiết mục “Câu chuyện hàng tuần” phát thường xuyên vào sáng, trưa thứ bảy, góp phần nhắc nhở, phê phán các hiện tượng tiêu cực và được nhân dân đánh giá cao.
Để cho sóng đài huyện cuốn hút mạnh mẽ bạn nghe đài, đài huyện đã xây dựng chương trình thông tin âm nhạc, phát sóng mỗi ngày 2 lần với nhiều bài hát hay ngợi ca Đảng, quê hương, đất nước và lồng ghép các tin vắn có tính thời sự, các mục sưu tầm phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và cuộc sống nên đã được nhân dân trong và ngoài huyện đón nghe khắp nơi. Qua các đợt liên hoan, hội thi chương trình phát thanh ở tỉnh và trung ương, Đài truyền thanh Điện Bàn liên tục đạt được các giải cao.
Ở các trạm truyền thanh cơ sở, được lãnh đạo xã, HTX bố trí đội ngũ cán bộ truyền thanh có trình độ, có năng khiếu vừa xây dựng được chương trình phát thanh địa phương vừa cộng tác thường xuyên với đài huyện. Nổi bật là sau khi được trên công nhận truyền thanh hoá, các HTX thi đua bắt loa chim ưng đến tận hộ gia đình nhân dân, có nơi như HTX Điện Thọ 2, Điện Trung 1, Điện Quang… đạt tỷ lệ 60 – 70% hộ dân có loa chim ưng trong nhà. Một số xã như Điện Tiến còn xây dựng được điểm xem truyền hình tập thể cuốn hút đông đảo bà con trên địa bàn dân cư đến xem. Từ đài huyện đến đài cơ sở, qua từng giai đoạn, từng thời kỳ đã vun đắp, đào tạo được 1 đội ngũ cán bộ yêu nghề, có tâm huyết làm việc bất kể ngày đêm. Là 1 huyện có phong trào truyền thanh mạnh trong chặng đường 50 năm qua, liên tục nhiều năm liền đài truyền thanh Điện Bàn được UBND tỉnh, Uỷ ban phát thanh truyền hình Việt Nam, Bộ Văn hoá thông tin tặng cờ đơn vị dẫn đầu thi đua và vinh dự hơn là 3 lần được Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba.Bên cạnh đó, thị xã đã đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh IP đã giúp hiện đại hóa công nghệ truyền thanh cơ sở nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền đến người dân ngày càng tốt hơn và mục tiêu hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.
Điện Bàn là địa phương có bề dày về văn hóa, lịch sử, là vùng đất địa linh nhân kiệt với 8 di tích lịch sử cấp quốc gia, 58 di tích cấp tỉnh được công nhận, nhiều danh nhân, chí sỹ đã làm rạng danh vùng đất Điện Bàn như: Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Cao Vân, Mẹ Thứ, AHLS Nguyễn Văn Trỗi…Trong những năm qua, thị xã đã quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp văn hóa từ thị xã đến cơ sở như trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị các di tich lịch sử, xây dựng mới Bảo tàng thị xã, hệ thống các nhà lưu niệm, Trung tâm VH-TT, Quảng trường thị xã, Trung tâm TDTT bắc Quảng Nam, công viên Mẹ Thứ…các công trình được đầu tư khang trang hiện đại không những tạo diện mạo cho đô thị Điện Bàn mà còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Kế thừa những thành quả mà các thế hệ đi trước đã gây dựng, đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa – TT và Truyền thanh - Truyền hình thị xã Điện Bàn luôn phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong công tác bảo tồn gắn với phát huy các giá trị di sản văn hóa, các giá trị truyền thống anh hùng cách mạng tốt đẹp của quê hương. Bên cạnh đó, công tác xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa luôn được chú trọng, đặc biệt là khi cả nước bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sôi động và mạnh mẽ với nhiều khó khăn và thách thức đòi hỏi từng cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành phải thích ứng linh hoạt để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao phó.
Trong giai đoạn khó khăn nhất của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid 19 , đội ngũ anh, chị em làm Văn hóa – TT và Truyền thanh – truyền hình từ thị xã đến cơ sở không ngại khó khăn, nguy hiểm xông pha lên tuyến đầu tham gia tác nghiệp trên tất cả các mặt trận từ bệnh viện, khu cách ly, khu điều trị, các chốt chặn đến từng đường làng, ngỏ xóm để thực hiện công tác tuyên truyền, lắp đặt Internet, làm phóng sự kịp thời thông tin tuyên truyền đến nhân dân, định hướng dư luận góp phần ổn định tình hình và bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch.
Với bề dày về thành tích đạt được, Ngành Văn hóa – tt và Truyền thanh – Truyền hình Điện Bàn được khen thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Đài truyền thanh thị xã vinh dự 3 lần được Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Ngành Văn hóa – Thông tin 7 lần được Bộ VHTTDL tặng cờ thi đua và nhiều bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam.
Những người làm công tác Văn hoá – The thao và Truyền thanh – Truyền hình hôm nay vẫn tiếp tục vững bước trên con đường mà các thế hệ đi trước đã gây dựng, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nhiệt huyết, đam mê, cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn hoá – tt và truyền thanh-truyền hình, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xác định công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, các giá trị truyền thống cách mạng của quê hương Điện Bàn là nhiệm vụ thiêng liêng đối với mỗi công chức, viên chức toàn Ngành.
Những người kế thừa sự nghiệp văn hoá – thể thao – truyền thanh – truyền hình hôm nay mãi mãi tri ân các bậc tiền bối đi trước, các đồng chí lãnh đạo thị xã Điện Bàn qua các thời kỳ đã có công lao to lớn trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử Điện Bàn, các ngành cấp trên đã thường xuyên theo dõi, quan tâm hướng dẫn về chuyên môn cho thị xã trong suốt thời gian qua.
Trước thời điểm sắp xếp, tổ chuc lại đơn vị hành chính các cấp, những người làm công tác Văn hóa – Truyền thanh trên toàn thị xã sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu góp phần làm cho văn hóa của quê hương xứ sở ngày càng thẩm thấu và lan tỏa mạnh mẽ, để văn hóa thật sự trở thành hồn cốt của tất cả các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội trong thời gian sắp đến.
Huyền Chi
Các tin khác
- Bài viết: Lan toả văn hoá đọc từ những chuyến xe thư viện lưu động - 18/04/2025 11:01
- 3 xã Gò Nổi tổ chức Lễ giỗ tổ Hùng Vương và tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - 08/04/2025 09:06
- Bài viết: Lễ giỗ tổ Hùng Vương – nét đẹp văn hoá của người dân Gò Nổi - 08/04/2025 08:40
- UBND xã Điện Quang tổ chức lễ hội Thanh minh lần thứ XVIII - 08/04/2025 08:19
- Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ vô địch Môn bóng đá Nữ cấp Tiểu học - 03/04/2025 02:33